Quán hủ tiếu có thâm niên hơn 30 năm của dì Mai nằm ở Q.4 (TP.HCM) thường được khách gọi vui là quán của những… "nữ tướng", khi toàn do các dì, các cô phục vụ.

Nép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Hào, quán hủ tiếu mì của dì Mai (tên thật là Nguyễn Thị Mai, 67 tuổi) - người phụ nữ nhận mình độc thân, vui tính vẫn là chỗ tới lui quen thuộc của nhiều thực khách hảo món ăn này ở TP.HCM.

“Dì Mai thích nên dì Mai bán!”

Đầu giờ trưa, tôi tìm đến quán hủ tiếu của dì Mai Quán nhỏ với vài chiếc bàn và vài ba cái ghế, khách ngồi kín. Nhìn đều đặn từng lượt khách ra, vào, dì Mai niềm nở giới thiệu dù quán bán từ 8 giờ sáng tới 16 giờ, nhưng giữa trưa là thời điểm đông khách nhất.

 Đông khách giờ ‘lạ’, bà chủ độc thân vui tính - Ảnh 1.

Quán hủ tiếu của dì Mai nằm trong một con hẻm trên đường Nguyễn Hữu Hào (Q.4, TP.HCM).

CAO AN BIÊN

[CLIP]: Quán hủ tiếu dì Mai hơn 3 thập kỷ ở TP.HCM.

 Đông khách giờ ‘lạ’, bà chủ độc thân vui tính - Ảnh 2.

Quầy hủ tiếu nho nhỏ, nhưng làm say mê thực khách suốt mấy chục năm qua.

CAO AN BIÊN

Dì Mai cùng 3 người phụ nữ, mỗi người một việc đều tất bật làm món để mang ra cho khách phần ăn sớm nhất, không để ai phải chờ đợi lâu. Một vị khách quen tới ăn, thấy tôi hỏi chuyện bà chủ thì cười nói vui: “Quán này toàn các cô, các dì thôi, không có bóng dáng đàn ông. Nữ tướng không đó!”. Nghe vậy, tôi và mọi người trong quán ai cũng bật cười.

Có người ăn quán tôi hồi nhỏ, lớn lên có vợ, có chồng, rồi có con cũng dẫn vợ chồng con cái ghé ăn. Họ nói bị ghiền cái hương vị hủ tiếu của dì Mai nên phải ghé lại, không bỏ được. Nghe khách nói vậy, mình vừa vui, vừa xúc động và cũng là động lực để chị em tôi có thể bán quán ăn này càng lâu càng tốt.

Dì Mai, Chủ quán hủ tiếu

Dì Mai giới thiệu quán được mở hơn 30 năm trước, khi dì đã ngoài 30. Trong vô số nghề, sở dĩ bà chủ chọn bán món này đơn giản vì: “Dì Mai thích thì dì Mai bán!", chứ cũng không có lý do nào quá đặc biệt.

Dì Mai trụng hủ tiếu, mì trước khi cho vào tô.

CAO AN BIÊN

“Nhờ quán ăn này chắc dì nuôi con cháu khôn lớn, nên người hen dì?”, tôi hỏi, dì Mai đáp: “Ừ! Dì nuôi nhiều con lắm!”. Bà chủ quán với nụ cười đôn hậu vừa nói xong thì vội giải thích, rằng dì chỉ đang chọc tôi.

Thực ra dì Mai sống độc thân, không con cái, cùng em gái út và 2 người phụ nữ phụ việc cùng bán quán này, ngót nghét cũng đã mấy chục năm có hơn. Mọi người ở đây đều xem nhau giống như một gia đình, cùng giúp đỡ nhau buôn bán, mưu sinh.

Tô hủ tiếu khô được khách thích tại quán được dì Mai làm một cách tỉ mẩn.

CAO AN BIÊN

Niềm hạnh phúc của dì Mai và những cô, dì phụ quán ở đây chính là mỗi ngày cùng nhau chuẩn bị món, cùng nhau làm những phần ăn tâm huyết nhất dành cho những vị khách của mình.

“Có người ăn quán tôi hồi nhỏ, lớn lên có vợ, có chồng, rồi có con cũng dẫn vợ chồng con cái ghé ăn. Họ nói bị ghiền cái hương vị hủ tiếu của dì Mai nên phải ghé lại, không bỏ được. Nghe khách nói vậy, mình vừa vui, vừa xúc động và cũng là động lực để chị em tôi có thể bán quán ăn này càng lâu càng tốt", dì Mai bày tỏ.

Từ 3.000 đồng, nay là 30.000 đồng/tô

Nhớ lại thuở mới mở quán ăn này, dì Mai bán chừng 3.000 đồng/tô, nếu không nhớ lầm. Nhưng lúc đó việc buôn bán cũng gặp không ít khó khăn do quán mới mở, vẫn chưa có nhiều khách ruột.

 Đông khách giờ ‘lạ’, bà chủ độc thân vui tính - Ảnh 6.

Mỗi phần hủ tiếu ở quán có giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/phần.

CAO AN BIÊN

 Đông khách giờ ‘lạ’, bà chủ độc thân vui tính - Ảnh 7.

Món ăn vừa miệng, đủ no bụng cho một ngày làm việc.

CAO AN BIÊN

Dần dà, nghề dạy nghề, món ăn dì nấu càng ngày càng hợp khẩu vị khách nhờ biết lắng nghe ý kiến và thay đổi. Quán cũng có cho mình những khách ruột, rồi gắn bó với dì cũng mấy chục năm qua.

Hiện quán bán hủ tiếu mì với giá mỗi tô dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/tô tùy nhu cầu của khách. Khi có khách gọi món, dì Mai nhanh tay lấy một phần hủ tiếu hoặc mì, và có khi là cả hai trụng qua nước sôi để sợi hủ tiếu/mì được mềm.

Sau đó, dì cho vào tô, thêm nhiều nguyên liệu như thịt gà, da gà, mề gà, thịt heo… theo ý khách gọi. Không quên cho thêm hành lá, hành phi trước khi chan lên một vá nước lèo nóng hổi, đậm đà.

 Đông khách giờ ‘lạ’, bà chủ độc thân vui tính - Ảnh 8.

Nước lèo đậm đà.

CAO AN BIÊN

Nếu khách chọn ăn khô, quán cũng có nước sốt đặc biệt do chính tay dì chế biến. Khách ăn kèm hủ tiếu với chén nước chấm được pha sẵn cân bằng lại hương vị có phần "nhạt" trong tô hủ tiếu.

Dưới cái nóng TP.HCM buổi trưa, tôi vã mồ hôi mà ăn một tô hủ tiếu mì của dì Mai cũng nóng đúng là một trải nghiệm thật “lạ". Sợ hủ tiếu dai, thịt gà, mề gà, da gà… đều dai dai, thịt không bị bở thêm phần nước lèo đậm đà. Món xứng đáng để tôi chấm 8/10 và chắc chắn sẽ ghé lại ăn khi có dịp, nhưng có thể là một ngày mát trời hay vào buổi chiều.

 Đông khách giờ ‘lạ’, bà chủ độc thân vui tính - Ảnh 10.

Vị khách quen "ghiền" hủ tiếu ở quán dì Mai.

CAO AN BIÊN

 Đông khách giờ ‘lạ’, bà chủ độc thân vui tính - Ảnh 11.

Dì Mai cho biết sẽ bán đến khi nào không còn sức bán nữa thì thôi.

CAO AN BIÊN

Cô Thủy (52 tuổi, ngụ Q.4) là khách quen của quán nhiều năm nay cũng cho biết cô mê hủ tiếu ở đây vì độ “chiều” khách của bà chủ. Mỗi lần tới đây, cô chỉ gọi hủ tiếu da gà vì đây là món khoái khẩu của cô.

“Tôi chỉ ăn da thôi, mà mọi người ở đây cũng chịu. Nước lèo ngon, đậm đà, hủ tiếu dai tôi rất thích. Mỗi tuần phải ghé đây ăn 2 - 3 lần, có khi hơn vì giá phải chăng và đồ ăn ngon. Món có chút nhạt, mình phải pha thêm một chút hoặc chấm với nước chấm sẽ cân bằng hơn", vị khách đánh giá.

Chén nước chấm được pha sẵn cân bằng lại hương vị có phần "nhạt" trong tô hủ tiếu.

CAO AN BIÊN

Từng lượt khách cứ đến rồi đi, chủ yếu là những người lao động bình dân giữa lòng TP.HCM. Tô hủ tiếu của dì Mai cứ như vậy làm no bụng, ấm lòng biết bao thực khách giữa buổi trưa trời nắng trời mưa…


Bình luận