Những khoảnh khắc chàng trai nướng bánh bán cho khách được chia sẻ lên mạng xã hội không ít người trầm trồ. Cũng vì lý do đó mà những ngày qua tiệm bánh của anh đông không "tưởng tượng được", buổi chiều còn không kịp trò chuyện với khách.
Miệt mài gắn bó với nghề
Anh Đinh Trọng Hiển (33 tuổi, quê ở Thanh Hóa) vào TP.HCM học tập và làm việc hơn chục năm nay. Chàng trai trẻ tốt nghiệp trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có thời gian làm nghề xây dựng, bán bánh bò đường phố dạo với một người chú để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chính người chú đã "vẽ đường" để anh học thêm bí quyết, kỹ năng làm bánh và trau dồi nghề làm kế sinh nhai. 7 năm nay, anh quyết định thuê mặt bằng mở tiệm bánh và gắn bó đến hiện tại.
Cận cảnh màn làm bánh như luyện ‘kungfu’, khách nhìn là mê
"Ngày xưa tôi đổ và nướng bánh bằng than, giờ chuyển sang làm bằng điện để tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Mất khoảng 10 năm, tôi mới có thể thuần thục từng động tác khi làm bánh và nhanh thoăn thoắt như mọi người thường thấy", anh Hiển nói.
Cũng theo chủ quán, nhiều thực khách nhìn thấy anh đổ bánh nhanh tay không khỏi thắc mắc vì sao phải làm như vậy. Anh giải thích đây là bánh truyền thống, thủ công nếu làm chậm bánh sẽ bị cháy.
Clip: Anh Hiển đổ bánh "nhanh như chớp"
"Năm ngoái tôi tự chế ra được dàn lò điện thay thế cho việc nướng bằng củi. Nướng bằng than khi đốt lò lên rất nóng, tôi thường xuyên bị mất nước. Cảm giác chế được lò rất hạnh phúc vì từ đó sự cực nhọc giảm xuống rõ rệt. Trước đây nếu có người đặt trên ứng dụng khoảng 40 chiếc bánh, tôi không thể làm kịp buộc phải hủy đơn. Giờ nướng bằng điện có thể nướng nhiều lò cùng lúc, làm 40 chiếc bánh đơn giản, nướng chỉ trong tầm 20 phút. Còn làm bằng than phải mất 2 tiếng, không đủ làm với nhu cầu của khách", anh Hiển chia sẻ.
Làm không nghỉ tay
Anh Hiển làm tới 11 loại bánh thủ công, mỗi loại bánh sẽ sử dụng loại bột, khoai khác nhau. Với bánh khoai mì, anh phải dậy từ 4 giờ sáng luộc khoai mới có thể xay, giã nhuyễn mới có thể làm được. Mỗi sáng cần một nguồn năng lượng dồi dào mới trước khi bắt đầu một ngày bận rộn, đổ bánh không ngơi tay.
"Nghề bánh này đứng nướng rất nóng vì vậy phải biết cách tự tạo niềm vui trong lúc tạo ra từng chiếc bánh mang tới cho khách hàng. Hiện khó khăn nhất của tôi là không thuê được người làm, làm bánh thủ công đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác trong từng công đoạn. Cực nhất vẫn là công đoạn nướng bánh, không giống các dòng bánh khác chỉ cần bỏ vào lò bấm nút là được. Người làm phải canh xem bánh đủ vàng, chín mềm chưa mới có thể lấy ra khỏi lò", anh Hiển bày tỏ.
Song song với việc bán trực tiếp, anh đăng ký bán online và không ngờ nhận được sự ủng hộ lớn của mọi người. Dù nướng bánh vất vả nhưng chàng trai luôn nở nụ cười tươi, sáng và vui vẻ chia sẻ mỗi khi có người hỏi chuyện. Dù bánh được làm nhanh tay nhưng chiếc nào cũng chín đều, mềm, thơm. Hằng ngày, khách ghé tiệm hỏi mua tấp nập, lắm lúc phải đến 17 giờ anh mới ăn cơm trưa.
Chị Vũ Thị Oanh (27 tuổi), vợ anh Hiển cho hay, chồng đảm nhận việc nướng bánh còn chị bán cho khách. Chị thấy anh rất yêu nghề, cố gắng không ngừng nghỉ hay than mệt. Đó cũng là động lực lớn để chị kiên trì, phụ bán cùng chồng trong suốt thời gian qua.
"Có những lúc anh mệt nhưng vẫn cố làm để khách không phải hụt hẫng mỗi lần đến tiệm. Được khách ủng hộ là niềm hạnh phúc lớn của vợ chồng tôi, cả nhà sẽ cùng cố gắng để mở thêm những cơ sở khác", chị Oanh chia sẻ.
Anh Bùi Đức Trung (26 tuổi, ở Q.Tân Bình) ghé tiệm mua bánh ăn trưa, đã từng ăn ở đây một lần thấy ngon nên anh quyết định quay lại mua thêm. "Tôi đã thấy anh chủ trực tiếp làm bánh, rất nhanh, sạch sẽ, bánh vừa chín mềm, chắc anh làm lâu rồi mới có thể chuẩn chỉnh từng công đoạn như vậy", anh Trung chia sẻ.
Mỗi ngày, anh Hiển bán từ 6 giờ tới 22 giờ. Chàng trai cho biết sẽ cố gắng tuyển thêm người, chia sẻ cách làm bánh để từ đó mở thêm những tiệm bánh khác, phục vụ nhu cầu của thực khách nhiều nơi.