Phổ điểm tiếng Anh có hai đỉnh 4-5 và 8-9 điểm do sự chênh lệch việc dạy và học tiếng Anh giữa thành thị và nông thôn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, hơn 871.000 thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Hàn và Nhật, riêng tiếng Anh 867.000 em (chiếm 99%); điểm trung bình 5,84. Đây cũng là môn có điểm trung bình tăng mạnh nhất trong năm nay với mức tăng 1,26 so với năm ngoái, trong khi các môn khác chỉ chênh lệch từ 0,07 đến 0,23 điểm.
Phổ điểm môn này khác hẳn so với mọi năm và những môn thi khác khi xuất hiện hai đỉnh. Đỉnh thứ nhất rơi vào điểm 4-5, đỉnh thứ hai 8-9. Đây là hiện tượng khác thường, bởi thông thường phổ điểm có hình chuông với một đỉnh.
Theo phân tích của nhóm giáo viên tổ Ngoại ngữ, Hệ thống giáo dục Học Mãi, phổ điểm tiếng Anh có sự chuyển biến mang tính khả quan hơn khi đỉnh về phía bên trái (mức 4-5 điểm) cao hơn đỉnh của năm 2020 (3-4 điểm). Ngoài điểm trung bình tăng, số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình giảm khoảng 23% và số thí sinh đạt điểm 10 cũng tăng gần 20 lần với 4.345.
Đỉnh lệch bên trái là đại diện cho số đông và đỉnh lệch về phía bên phải là cho những thí sinh có sự đầu tư tiếng Anh nhiều hơn (có thể là những em chọn tiếng Anh là một trong những môn quan trọng để xét tuyển đại học), phần đông là ở khu vực thành thị có điều kiện học tiếng Anh.
Ngoài ra, đỉnh của phổ điểm lệch về phía bên phải có một phần nguyên nhân từ việc điều chỉnh mức độ của đề thi theo hướng dễ hơn, việc học tiếng Anh ở hầu hết trường phổ thông được ưu tiên và đầu tư nhiều hơn.
PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng phổ điểm tiếng Anh lạ nhưng không phải bất thường. Nguyên nhân không phải do đề thi mà phản ánh chân thực sự chênh lệch chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng giữa vùng miền.
Những trường miền núi, khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ có đến 60-70% thí sinh dưới điểm trung bình tiếng Anh. Điều này chứng tỏ nhiều câu hỏi mức độ dễ, căn bản, nhưng các em cũng không làm được hết.
Trong khi đó, học sinh ở thành phố hoặc các tỉnh có mức sống cao như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu làm được gần hết câu dễ và làm thêm nhiều câu khó. Do đó, điểm 8-10 ở các địa phương này rất nhiều.
"Ở vùng khó khăn, nông thôn, điểm trung vị lệch phía bên tay trái, mức 3-4. Trong khi đó, ở các đô thị lớn, điểm trung vị 7-8. Do đó, ghép hai vùng điểm đó vào với nhau sẽ tạo ra phổ điểm kỳ lạ", ông Dũng nói.
Chuyên gia này cho rằng, sự chênh lệch theo phân tích trên tạo sự bất công cho thí sinh ở vùng sâu, khó khăn. Về lâu dài, đây là bài toán cho những người làm giáo dục trong việc thu hẹp khoảng cách dạy và học ngoại ngữ.
Trước mắt, những thí sinh ở vùng khó khăn sẽ thiệt thòi trong xét tuyển. Nhiều thí sinh thành phố có điểm tiếng Anh cao sẽ chuyển hướng lựa chọn tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh). Nếu các đại học không cân bằng việc này, các em ở vùng quê có thể bị loại khỏi "cuộc chơi".
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn nhận phổ điểm tiếng Anh là phép cộng của hai phổ điểm chuẩn: Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp; một phổ ứng với vùng có số điểm cao hơn. Phổ điểm tiếng Anh của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm của một số tỉnh thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học.
Để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, Cục Quản lý chất lượng đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở vùng miền khó khăn và vùng có điều kiện dạy học thuận lợi.
Với nhóm thí sinh ở nơi khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là ảnh hưởng từ Covid-19, điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn. Với nhóm thí sinh có điều kiện thuận lợi hơn, điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.
"Đề thi tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn", ông Trinh nói.
Trang https://diemthi.vnexpress.net/ cũng cho thấy rất nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... phổ điểm môn Ngoại ngữ có hai đỉnh.
Mạnh Tùng - Dương Tâm