Nhật BảnBiên đội tiêm kích F-35B thủy quân lục chiến Mỹ bị sét đánh hư hỏng khi hoạt động gần căn cứ Iwakuni, nhưng vẫn hạ cánh an toàn.
Biên đội tiêm kích F-35B đóng tại căn cứ Iwakuni ở Nhật Bản bị sét đánh trong chuyến bay hôm 13/7, nhưng thông tin chỉ được thủy quân lục chiến Mỹ tiết lộ cuối tuần trước. Cả hai phi cơ đều hạ cánh an toàn và không có ai bị thương, nhưng phải nằm đắp chiếu do hỏng nặng.
"Sau khi thực hiện quy trình đánh giá và báo cáo, sự cố liên quan đến thời tiết được xếp vào nhóm A do chi phí sửa chữa dự kiến vượt mức 2,5 triệu USD. Chúng tôi đang điều tra và sẽ áp dụng kinh nghiệm từ sự việc vào những hoạt động trong tương lai", đại úy Marco Valenzuela, phát ngôn viên Phi đoàn số 12 không quân thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết.
Sự cố nhóm A là cấp độ nghiêm trọng nhất trong thang đánh giá sự cố của quân đội Mỹ, được định nghĩa là những tai nạn gây thiệt hại trên 2,5 triệu USD với khí tài hoặc khiến máy bay hư hỏng hoàn toàn, có người chết hoặc thương tật vĩnh viễn.
Tiêm kích F-35 đã gặp hàng loạt vấn đề với khả năng chống sét, gây lo ngại về nguy cơ cháy nổ trong quá trình vận hành và bảo dưỡng. "Cấu trúc composite của F-35 không có khả năng phòng chống sét thụ động như các tiêm kích đời cũ dùng vỏ kim loại", thủy quân lục chiến Mỹ cho biết trong báo cáo năm 2018.
Những chiếc F-35 có hệ thống tạo khí trơ trên khoang (OBIGGS), được thiết kế để bơm khí nitơ vào hệ thống nhiên liệu, ngăn nguy cơ tích tụ hơi dầu và oxy, ngăn nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ nghi ngờ độ tin cậy của hệ thống này sau khi phát hiện các ống dẫn từ OBIGGS đến thùng dầu chính của dòng F-35A bị hư hại, khiến phiên bản này bị cấm hoạt động gần hoặc trong điều kiện giông sét từ giữa năm 2020.
Biến thể F-35B của thủy quân lục chiến sử dụng hệ thống OBIGGS khác với F-35A, khiến chúng ít gặp nguy cơ cháy nổ do sét đánh trên mặt đất, nhưng vẫn không tránh được mối đe dọa từ sét đánh trên không.
Vũ Anh (Theo Marine Times)