Mùa cá chuồn bắt đầu từ sau tháng hai âm lịch rồi vắt qua đến hết mùa hạ. Ở vùng biển Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), cá chuồn đang chính vụ nhưng không rộ như mọi năm, bởi...

Cá chuồn có nhiều "chi phái" như chuồn lộng, chuồn khơi, chuồn xanh, chuồn cồ, chuồn gành… Theo khẩu vị của giới "lai rai" thì chuồn gành rất ngon nên giá hơi đắt một chút. Một ký cá chuồn gành từ 7 - 10 con, tùy lớn nhỏ có giá… lửng lơ trong khoảng trên dưới 150.000 đồng. Chuồn gành được chuộng có lẽ do cá sống trong vùng nước sạch dưới chân những rặng đá ngầm nhoài ra biển nên thịt chắc và ngon. Vùng này lắm san hô, tảo nhiều, thức ăn (phiêu sinh vật) phong phú nên chuồn gành con nào con nấy sởn sơ so với cá chuồn thuộc những "chi phái" khác.

Cá chuồn nướng mọi - Ảnh 1.

Những chiều hè, cá chuồn nướng luôn được người xóm biển gọi tên

TRẦN CAO DUYÊN

Chuồn gành di chuyển, kiếm ăn loanh quanh trong lộng nên giúp "gạo" cho những ngư dân thiếu vốn, làm ăn nhỏ lẻ, đánh bắt gần bờ. Chỉ hai người với chiếc xuồng máy từ cửa biển ra tới vùng bủa lưới chưa đầy buổi thì quay về. Cá ít nhưng bán cũng tròm trèm triệu bạc. Các bà vợ cắp rổ chờ sẵn trên bến…

Nắng chiều bắt đầu yếu là lúc rải rác các bếp than trong ngõ xóm cũng hừng lên. Cá chuồn nướng mọi thôi, chẳng có chút cầu kỳ. Cá tươi, mắt còn đen láy, vảy xanh bóng, bụng láng e cứ để vậy đặt lên vỉ nướng.

Đừng nghĩ nướng là thảy cá lên lửa, trở qua trở lại là xong. Hổng dễ ăn đâu! Nướng lơ mơ, để cá vừa chín tới thì còn váng vất mùi nơi bụng. Cá quá chín, gần tới... "mười" luôn thì da cá đen thui, thịt cá khô queo, chất ngọt mất đi rất nhiều. "Ngồi với nhau" mà mồi kiểu này dễ chán lắm. Mồi ngon mới… tròn câu chuyện.

Nướng chuẩn là bếp than phải hừng nhưng hừng vừa thôi, hừng "hỗn" quá, cá dễ chín "háp". Lớp vảy cá phải chuyển màu "vàng thâm" lỗ chỗ. Mũi phải đủ "chuẩn" để nghe mùi cá thơm cỡ nào là cho ra đĩa.

Còn nữa, cá chuồn nướng chấm với cái gì cũng rất quan trọng. Đừng bắt chước quán xá, nhà hàng, làm nước chấm dẻo quẹo sẽ giảm cái ngon của cá. Thịt cá ngọt và thơm sẵn rồi, chỉ cần chấm với muối ớt khô là ngon "bá cháy". Nhưng muối không phải là muối hầm (đã chín), mà là muối sống, nếu là muối bọt càng tốt. Đó là lớp muối vừa mới kết tinh trên bề mặt ruộng, hạt to, trắng toát, xốp và rất "ngọt". Giã muối này với vài trái ớt kim đang chín đỏ.

Bày bộ bàn đơn sơ ngoài hiên, dưới những tàu dừa đang xào xạc gió nồm, các "chiến hữu" quây quần lại. Bữa tiệc cá chuồn gành cứ vậy râm ran. Có anh "chuyên gia" làm muối ớt cao hứng chầm chậm nói một câu "vi triết". Rằng cá biển nói chung, cá chuồn nói riêng, sống thì bơi trong nước muối. Về bờ cũng không xa hạt muối. Cá muối - muối cá muôn thuở mặn mòi.

Dân miệt biển ăn cá nướng có phần… hoang dã. Dùng tay bẻ đôi con cá cho ruột và trứng "bung" ra. Đây là bộ phận nóng nhất, hương vị lạ nhất trong con cá, nên thưởng thức ngay vì nguội sẽ mất ngon.

Lột bỏ bộ vảy cá khô giòn, thịt cá trắng phau, hương vị đậm đà, thơm phức "đi" với chút muối ớt mặn ngọt cay nồng thì một là… ngậm mà nghe, hai là chỉ có thể bật ra một câu cảm thán: "Chu cha ơi, ta nói nó ngon… một trời thương nhớ".


Bình luận