Việc giới chức Trịnh Châu không có nhiều quyền tự quyết được cho là nguyên nhân chính khiến họ không kịp trở tay trước trận lũ lịch sử.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc, ngày 26/7 ban hành một chỉ thị yêu cầu giới chức địa phương chủ động và quyết liệt hơn khi đối phó với những tình huống khẩn cấp.
"Khi tình huống bất thường như hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra, các quan chức phải có những biện pháp kiên quyết đóng cửa trường học, dừng sản xuất kinh doanh, dừng phương tiện giao thông công cộng, đóng các đường hầm và những điểm đen ngập lụt", chỉ thị có đoạn. "Chúng ta phải từ bỏ mọi quan niệm trông chờ vào vận may, vượt qua sức ì và tránh bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để cố gắng hết sức cứu mạng người, tài sản".
Chỉ thị được ban hành sau khi tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, hồi tuần trước hứng chịu trận mưa lũ "nghìn năm có một" khiến ít nhất 63 người chết và gây thiệt hại lớn về vật chất.
Các chuyên gia cho rằng những trận lũ lụt với hậu quả nghiêm trọng gần đây đã cho thấy lỗ hổng về quản lý, ứng phó thiên tai của Trung Quốc, khi các chỉ thị, quyết sách thường được đưa ra từ cấp cao nhất, khiến giới chức địa phương thiếu linh hoạt trong phản ứng trước tình hình thực tế.
Trận lũ lụt lịch sử hồi tuần trước ở Hà Nam, trong đó đau lòng nhất là vụ 12 người chết đuối dưới một đường hầm tàu điện ngầm ngập nước ở thủ phủ Trịnh Châu, đã khiến các lãnh đạo cấp cao của chính quyền tỉnh phải thay đổi.
Khi bão In-Fa đổ bộ chỉ vài ngày sau đó, giới chức Hà Nam đã ban hành chỉ thị đặc biệt tới các đơn vị vận hành tàu điện ngầm trong tỉnh, cho họ quyền ra quyết định tại chỗ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần chờ lệnh từ cấp trên.
Theo một cuốn sách do Tạp chí Văn học Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản hồi tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình từng bày tỏ thất vọng trước sự thiếu chủ động của các quan chức địa phương, phàn nàn rằng quá nhiều người còn chần chừ, chờ lệnh trước khi hành động.
Ông hồi tháng một cũng đề cập đến vấn đề này với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc. "Một số người chỉ hành động khi nhận được lệnh bằng văn bản từ lãnh đạo và họ sẽ không làm gì nếu không có những chỉ thị như vậy", Chủ tịch Tập nói. "Những văn bản chỉ đạo của tôi là phòng tuyến cuối cùng. Nếu tôi không đưa ra chỉ đạo, liệu những công chức đó có làm gì không?".
Bão In-Fa tấn công thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, hôm qua sau khi đổ bộ vào thành phố Chu Sơn. Cơ quan khí tượng Trung Quốc đã phát cảnh báo màu cam, dự báo lượng mưa có thể lên đến 220 mm ở nhiều vùng của đất nước, đồng thời kêu gọi nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng ngừa.
Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp, trong đó màu đỏ thể hiện mức độ nghiêm trọng nhất, tiếp theo lần lượt là cam, vàng, xanh dương.
Dù bão In-Fa chưa gây ra thiệt hại trên diện rộng, đã có những cảnh báo cho thấy tỉnh Chiết Giang và Giang Tô cùng với thành phố Thượng Hải sẽ tiếp tục hứng chịu mưa lớn kết hợp gió mạnh trong vài ngày tới.
Hôm 24/7, người đứng đầu tỉnh Chiết Giang Trịnh Sách Khiết nhấn mạnh việc phân chia trách nhiệm trong toàn bộ bộ máy cần được làm rõ và "những quyết định nhanh chóng, kịp thời" nên được đưa ra "một cách khoa học và dứt khoát". Đích thân ông đã đi kiểm tra hệ thống tàu điện ngầm của Hàng Châu trước khi bão In-Fa đổ bộ.
Các video ghi lại cảnh hành khách mắc kẹt, kêu cứu hàng giờ liền trong tàu điện ngầm ngập nước ở thành phố Trịnh Châu hôm 20/7 đã gây chấn động cả nước. Nhiều người dùng Internet Trung Quốc đặt câu hỏi vì sao nhà chức trách không ra quyết định ngừng hoạt động tàu điện ngầm hay đóng cửa các đường hầm bất chấp cảnh báo mưa lớn.
Phóng viên điều tra kỳ cựu Zhu Shunzhong hôm 25/7 đăng một bức thư ngỏ trên mạng xã hội, yêu cầu giới chức Trịnh Châu phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch. Theo Zhu, nhiều mạng người có thể đã được cứu sống nếu "những lãnh đạo ở Trịnh Châu quan tâm đúng mức đến cảnh báo đỏ về lượng mưa do cơ quan khí tượng ban hành".
Truyền thông địa phương đưa tin trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống lũ lụt ngày 13/7, một tuần trước khi xảy ra thảm kịch, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam đã yêu cầu thành phố Trịnh Châu đảm bảo "không xảy ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng" khi mưa lũ.
Mục tiêu trên có thể đã gây ra những trì hoãn trong khâu phản ứng của chính quyền Trịnh Châu, theo Gu Su, nhà phân tích chính trị kiêm giáo sư triết học và luật tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc.
"Với mục tiêu chống ùn tắc như vậy, các quan chức thành phố chắc hẳn phải xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên trước khi đóng hệ thống tàu điện ngầm. Nhưng trong những tình huống khẩn cấp, một phút bị lãng phí cũng gây ra thiệt hại khủng khiếp", Gu lưu ý. "Đây là lý do chúng ta thấy lãnh đạo các tỉnh phía đông, sau khi chứng kiến những gì xảy ra ở Hà Nam, đang có một cách tiếp cận khác khi họ lập tức cho phép cấp dưới bỏ qua các quy trình quan liêu để đưa ra quyết định lập tức trong trường hợp khẩn cấp, nhằm tránh lặp lại sai lầm tương tự".
Theo Xie Maosong, nhà khoa học chính trị tại Viện Khoa học Trung Quốc, Bắc Kinh cần điều phối cân bằng hơn giữa việc kiểm soát quyền lực tập trung và trao quyền tự quyết cho các quan chức địa phương, cho phép các cán bộ địa phương tự ra quyết định và thậm chí là mắc sai lầm, bởi thiên tai do thời tiết khắc nghiệt sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn.
"Với nhiều chỉ đạo kiềm chế quyền lực của các quan chức địa phương trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng nên cân nhắc để các cán bộ cấp dưới có nhiều quyền ra quyết định hơn, nhờ thế họ không bị trừng phạt khi mắc những sai lầm không cố ý", Xie nói.
Theo chuyên gia này, nếu không có những cơ chế cho phép "quyết và sai" như vậy, các lãnh đạo chính quyền địa phương rõ ràng sẽ không muốn chấp nhận rủi ro chính trị và chỉ trông chờ vào quyết định từ cấp trên cho mọi vấn đề.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu một quan chức địa phương ra lệnh đóng cửa dịch vụ tàu điện ngầm vì thời tiết xấu, nhưng cuối cùng lũ lụt lại không xảy ra? Họ cũng sẽ phải đối diện với chỉ trích", Xie cho hay.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)