Chị Trần Phương Uyên, Phó giám đốc Công ty CP Long Đỉnh (Lâm Đồng), chia sẻ: "Mọi người đều nghĩ trà là phải dùng để làm thức uống như nước giải khát hoặc pha chế cầu kỳ như các nghi thức trà đạo, nên việc đưa trà đến với người tiêu dùng rất khó, đặc biệt là dòng trà cao cấp như trà Ô Long. Chưa kể, nhiều người còn lo lắng uống trà sẽ mất ngủ, xót ruột… Do đó, chúng tôi mong muốn đưa trà đến mọi người dưới nhiều hình thức khác nhau, đa dạng hóa sản phẩm, dễ tiếp cận mọi đối tượng khách hàng, giúp mọi người nhìn thấy được những giá trị tuyệt vời mà trà mang lại".
"Chính vì vậy, việc đưa trà vào ẩm thực là một nét lạ, đặc trưng của Công ty CP Long Đỉnh, giúp mọi người cảm nhận sự khác biệt cũng như sự tinh tế trong từng món ăn thường ngày", chị Uyên thổ lộ.
Cũng theo chị Uyên, từ năm ngoái, sau khi khai trương Không gian văn hóa trà Long Đỉnh (xã Trạm Hành, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), chị bắt đầu mày mò, tìm hiểu, bắt tay vào "ẩm thực trà". Nói thì nghe đơn giản nhưng thực tế bắt tay vào làm thì "năm lần, bảy lượt" hư lên, hỏng xuống mới thực hiện thành công, tạo ra công thức, cách chế biến đi vào bài bản.
Một số món ăn từ trà rất gần gũi đã được cho ra đời như: cơm trà, mì hồng trà, trứng nấu trà, tempura trà, thạch trà, thịt kho trà, xôi matcha trà, khoai tây sốt trà, cá chiên sốt matcha trà… Để thực hiện những món ăn này, ngoài các nguyên liệu khác kèm theo, lá trà dùng để chế biến món ăn phải được tuyển chọn kỹ càng, phải được thu hái lúc khô sương vì lá trà sau một đêm hấp thụ những tinh túy của đất trời thì sáng ra sẽ tiếp xúc ánh nắng mặt trời làm bốc hơi nước và giữ lại dưỡng chất cho cây, búp trà đồng thời phải hái đúng tiêu chuẩn một tim 2 - 3 lá non để có được hương, vị trong từng búp.
Với món cơm trà, khi nấu cơm chúng ta thường dùng nước lạnh thì thay vào đó dùng nước trà để nấu. Dùng hồng trà nấu thì cơm sẽ thơm mùi trái cây chín của hồng trà đã lên men; khi dùng bột trà xanh thì cơm chín sẽ có màu xanh vừa đẹp mắt, vừa mềm, vừa thơm, ăn vào cảm nhận ngay được vị đặc trưng của trà.
Trong khi đó, với món trứng nấu trà, lựa chọn những quả trứng gà đều nhau và phải là trứng gà mới đẻ, khi luộc phải dùng đúng tỷ lệ trà cùng các nguyên liệu phụ (các loại thảo dược, nấm, hoa hồi, quế, muối…) cho phù hợp, không quá nhiều trà cũng như không quá nhiều phụ liệu. Đặc biệt phải chỉn chu trong việc điều tiết lượng lửa lớn nhỏ và thời gian để giúp trứng thấm gia vị, đồng thời không được dùng lửa to, nếu không trứng sẽ bị vỡ. Thời gian luộc phải mất 8 - 13 giờ mới giúp trứng hấp thụ nước trà, thảo dược và muối. Sau khi trứng chín, ăn vào ta sẽ cảm nhận mùi thơm nhẹ, vừa vị, để lại ấn tượng khó quên.
Với các món khác như cá, thịt kho khi thêm nước trà sẽ giúp giảm mùi tanh trong cá, thịt, tạo độ bóng, màu sắc bắt mắt. Món mơ ướp trà thì sử dụng trái mơ (mận) rim cùng đường và trà sẽ tạo thành món mứt mơ vừa có vị chua, ngọt, chát nhẹ của trà. Còn món thạch trà thì dùng bột rau câu cùng nước trà (pha từ bột matcha) và đường sẽ là món tráng miệng vừa thơm ngon, vừa mát lạnh, khó có thể bỏ qua.
Chị Uyên chia sẻ, những món ăn này đều được sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày tại Không gian văn hóa trà Long Đỉnh. Riêng dịp Tết Nguyên đán năm nay, ngoài các món nói trên, chị cho ra đời thêm nhiều món khác cũng được chế biến từ trà, đặc biệt sẽ có món bánh tét trà xanh để phục vụ du khách thưởng thức.