Các hình thức luyện tập từ yoga, chạy bộ đến tập thể hình đều đem lại vô vàn hiệu quả tích cực với sức khỏe và thể trạng. Đặc biệt, việc tập luyện với cường độ thích hợp còn giúp cải thiện hệ miễn dịch, đặc biệt với những đối tượng như người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền.
Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi liệu thời điểm tập luyện nào đem lại hiệu quả cao nhất với sức khỏe. Nhiều người lựa chọn bắt đầu một ngày mới bằng việc tập thể dục. Tuy nhiên việc tập luyện quá sớm (khoảng 3-5h sáng) hoặc ngay sau khi thức dậy lại có thể gây ra những mối nguy hại như:
Tăng nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch
Vận động mạnh vào sáng sớm làm tăng nguy cơ mắc các biến cố về tim mạch
Tập thể dục vào rạng sáng có thể gây nguy hiểm cho người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp. Theo nhịp sinh học của cơ thể, huyết áp sẽ tăng cao tự nhiên trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy.
Sáng sớm cũng là thời điểm thuốc điều trị tim mạch, huyết áp của ngày hôm trước đã giảm tác dụng đáng kể. Sự kết hợp của các yếu tố trên khiến người cao tuổi có nguy cơ cao gặp phải các biến cố tim mạch như: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Do đó, người mắc các vấn đề về tim mạch cần tránh tập thể dục ngay sau khi thức dậy. Khung giờ thích hợp hơn là thời điểm mát mẻ trong ngày, ở nơi thông thoáng, tránh ánh nắng gắt.
Giảm đường huyết đột ngột
Người bệnh đái tháo đường cần đề phòng hạ đường huyết khi tập thể dục buổi sáng
Những người phải sống chung với bệnh đái tháo đường cần đặc biệt cẩn trọng với việc vận động, tập luyện vào sáng sớm. Do bạn phải nhịn đói qua đêm, tình trạng hạ đường huyết đột ngột có thể xảy ra trong quá trình tập luyện.
Với thói quen tập thể dục ngay sau khi thức dậy, nhiều người thường quên lót dạ hoặc bỏ bữa sáng trước khi tập. Khi đó, cơ thể thiếu hụt glucose nghiêm trọng, dễ gặp những triệu chứng nguy hiểm do hạ đường huyết như: Đau thắt ngực, đau co thắt dạ dày, nặng có thể co giật, hôn mê…
Nên đọc
Nếu bệnh nhân đái tháo đường muốn duy trì thói quen tập thể dục vào buổi sáng, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ điều trị về chế độ dinh dưỡng trước khi luyện tập. Đồng thời, bạn nên kiểm tra đường huyết trước khi tập, không quên ăn nhẹ để ổn định chỉ số này trong suốt buổi tập.
Giảm hiệu quả tập luyện
Thời điểm sáng sớm, trước khi bữa sáng không phải khung giờ lý tưởng để bạn thực hiện những bài tập cường độ cao. Ngay sau khi bạn tỉnh dậy, cơ thể đang thiếu năng lượng, thiếu nước và carbohydrate. Trong khi đó, cơ bắp hoạt động hiệu quả nhất khi cơ thể được cung cấp đủ carbohydrate (tinh bột).
Ngoài ra, tình trạng chóng mặt, choáng ngất hoặc chấn thương (co cứng cơ, chuột rút) cũng có thể xảy ra khi tập luyện vào sáng sớm. Sự kết hợp của tình trạng hạ đường huyết và mất nước sẽ thể gây ra các hiện tượng trên. Ngay cả người trẻ tuổi cũng không nên vận động thể chất, nhất là tập thể dục ngoài trời khi chưa uống nước, ăn nhẹ để nạp năng lượng cho cơ thể.
Vì những lý do trên, nếu bạn muốn tập thể dục vào buổi sáng, hãy dành ra ít nhất 1 tiếng sau khi thức dậy để cơ thể hoàn toàn tỉnh táo. Bạn cũng nên hạn chế tập với cường độ quá nặng, các bài tập quá dài vào sáng sớm với thể trạng của mình.
Người cao tuổi nên tập thể dục tại nhà trong mùa dịch
Đặc biệt, tại các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19, người dân cần nghiêm túc chấp hành quy định của chính quyền địa phương, hạn chế tụ tập ở nơi công cộng. Việc tập thể dục hoàn toàn có thể thực hiện trong khuôn viên nhà ở với các dụng cụ đơn giản như máy đạp xe tại chỗ, tạ tay, dây kháng lực.
Những bài tập tay không như aerobics, thái cực quyền, yoga cũng giúp thư giãn và cải thiện lưu thông máu trong cơ thể. người cao tuổi có thể thử các bài tập chống té ngã đơn giản tại nhà.
Quỳnh Trang H+ (Theo Livestrong)