Thứ hai, 26/7/2021, 12:07 (GMT+7)
Kon TumThương người dân Sài Gòn thiếu rau xanh, Duy Thanh xin rau, củ, rồi lái xe tải chở hàng vượt 1.400 km mỗi chuyến suốt những tuần qua.
Tối 25/7, Nguyễn Tống Duy Thanh về đến Kon Tum, kết thúc chuyến xe 0 đồng thứ năm chở rau, củ, quả xuống Sài Gòn. Xong chuyến này, Thanh vào khu cách ly tập trung, tạm dừng vận chuyển do tình hình dịch bệnh căng thẳng, các xe không thể vào thành phố. Nam sinh cũng muốn nghe ngóng sức khỏe, sau hơn 20 ngày độc hành trên cung đường Kon Tum - Sài Gòn 1.400 km (cả đi lẫn về) và tiếp xúc nhiều người, dù đã mặc đồ bảo hộ.
Thanh quê ở Lâm Đồng, là sinh viên năm 3 khoa Kinh tế, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Khi đang điều trị vật lý trị liệu tại Kon Tum vì mổ nối gân tay, Thanh nghe bạn bè ở Sài Gòn chia sẻ không mua được rau vì giá đắt, tiền hết và không có gì để ăn. Nam sinh cùng bạn lên mạng kêu gọi bà con hỗ trợ rau, củ quả; đến thị trấn Măng Đen xin mót lại rau ở những vườn đã thu hoạch.
Ban đầu, Thanh cùng nhóm bạn tính thuê xe nhưng chi phí cao và nhà xe không muốn đi vì dịch bệnh nguy hiểm, sau khi về phải cách ly tập trung. Thanh cũng lo tài xế xếp hàng hóa không đảm bảo, khiến rau dập nát. "Tôi nghĩ đã xin được rau của bà con thì phải có trách nhiệm đưa đến tay người dân Sài Gòn một cách nguyên vẹn. Đã làm phải đàng hoàng và đã cho phải xuất phát từ cái tâm, thế nên tôi tự nguyện lái xe", Thanh nói.
Sau 4-5 ngày tìm xe, cuối cùng Thanh thuê được với giá 800.000 đồng/ngày của một tài xế chuyên làm từ thiện. Khoảng đầu tháng 7, Thanh bắt đầu hành trình trải nghiệm đầu tiên trong đời - lái xe tải.
Đã có bằng lái và quen cung đường, nhưng Thanh khá lo lắng vì chưa quen xe và đặt ra nhiều tình huống trên đường. Sau một ngày đến các điểm tập kết hàng hóa, Thanh khởi hành chuyến đầu tiên chở các loại rau, củ, gạo, mắm, mì tôm về Sài Gòn lúc 19h.
Nam sinh mang theo bánh mì, sữa nước trên xe để lót dạ, tối đến đỗ xe chỗ tiệm xăng để ngủ. Thanh có mặt tại điểm tiếp nhận chuyến xe 0 đồng của đội phản ứng nhanh Covid-19 Thành Đoàn TP HCM lúc 16h chiều hôm sau. Sau khi bốc dỡ hàng hóa và nghỉ ngơi một lát, nam sinh quay về Kon Tum để chở chuyến tiếp theo vì sợ để lâu rau hỏng.
Trở về từ Sài Gòn, Thanh ngủ lại tại chốt kiểm dịch mà không vào thành phố Kon Tum. Chuyến đầu tiên chưa có sự chuẩn bị, Thanh được các cán bộ tại chốt cho mượn lều ngủ ở bãi xe tập kết. Nam sinh cũng được mọi người nấu mì cho ăn và cho mượn chăn đắp. Những chuyến sau, Thanh đợi ở chốt, chờ chất đủ hàng sẽ lái đi luôn và dọc đường mệt sẽ ngủ ngay trên xe.
Thanh kể, chuyến thứ tư là vất vả nhất vì chở nặng và gặp sự cố. Khi đang bon bon tiến về Sài Gòn, chiếc xe bỗng nổ lốp khiến em phải ráng chạy tới Gia Lai để vá. Đi được một đoạn đến Đăk Nông, bóng đèn chợt tắt ngúm, xe nằm im giữa đoạn đường rừng núi tối mịt. "Tôi run, lo xe khác va chạm phải, nhưng nghĩ nếu sợ ai sẽ giúp mình đây. Tôi cố gắng bình tĩnh xử lý, bật đèn ưu tiên trên xe, cố chạy đến chỗ có nhà dân để ngủ, đợi sáng mai đi tiếp", Thanh nhớ lại.
Hôm sau, khi tới Bình Phước, xe tiếp tục nổ bánh trước nhưng may có người dân hỗ trợ gọi xe vá lưu động tới. Trên đường về Kon Tum, Thanh lại gặp sự cố trên cầu Thị Nghè. Trời nắng, đường phố vắng vẻ, Thanh đợi từ 14h30 đến 19h mới tìm được người giúp. Xong chuyến ấy Thanh mệt lả người, chân tay rã rời.
Biết chuyện Thanh lái xe chở rau, gia đình thường xuyên gọi điện khuyên can vì lo sẽ mắc bệnh và tay chưa ổn định. Chàng trai chia sẻ nếu ai cũng sợ thì số rau củ đó sẽ thế nào, trong khi chuyến hàng có thể giúp nhiều người. "Tôi nói với ba mẹ con đang làm việc tốt nên mong gia đình ủng hộ. Tôi không suy nghĩ nhiều, khi đã quyết là sẽ làm", Thanh nói.
Trước đó, Thanh dừng việc điều trị phục hồi tay, dù đã có khuyến cáo của bác sĩ sẽ khó phục hồi. "Dù sao đó cũng là tay trái, nếu không phục hồi thì tôi vẫn còn tay phải", Thanh nói, hy vọng nếu may mắn sức khỏe ổn định, sau khi hết cách ly sẽ về Sài Gòn, tham gia cùng các lực lượng chống dịch.
Cô Phan Thị Thanh Trúc, Phó trưởng khoa Kinh tế, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, nhận xét Thanh năng động, thường xuyên hỗ trợ và giúp đỡ các bạn trong quá trình học. Trước khi chở rau, Thanh gọi điện hỏi cô Trúc. Cô phân tích tình hình và xác suất lây nhiễm cao, khuyên cân nhắc tới sức khỏe.
"Nhưng Thanh nói 'nhiều người đang khổ, không ai đi giao thì số rau đó sẽ bị hỏng. Em biết lái xe nên sẽ đi. Giá trị sống của em là cho đi nên em làm được bao nhiêu thì làm'. Em đã quyết định vậy, tôi chỉ biết ủng hộ và cầu mong điều tốt lành", cô Trúc nói.
Cô Trúc quý mến Thanh vì luôn kiên định với lý tưởng sống. Bản thân cô thấy học được nhiều bài học thông qua việc làm của học trò. "Tôi nói với Thanh rằng tôi ngưỡng mộ em vì dám đi theo lý tưởng của mình. Nhiều người thấy khó khăn đã chùn bước, còn em thì không", cô Trúc tâm sự.
Nhiều thầy cô đã gọi điện cho cô Trúc nhờ gửi lời hỏi thăm sức khỏe, động viên Thanh. Nhà trường cũng đang làm tờ trình đề xuất tặng giấy khen đột xuất cho Thanh nhằm nêu cao tinh thần vì cộng đồng và việc làm của em đã truyền cảm hứng cho mọi người.
Bình Minh