Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị chính sách để con nhà nghèo, học giỏi tiếp cận học bổng, còn học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh "học đại".

Chủ nhật, 25/7/2021, 12:33 (GMT+7)

Hà NộiGiám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị chính sách để con nhà nghèo, học giỏi tiếp cận học bổng, còn học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh "học đại".

Sáng 25/7, thảo luận kinh tế, xã hội ở Quốc hội, đại biểu Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, vấn đề tự chủ đại học và tự chủ các cơ sở dạy nghề nhiệm kỳ vừa qua đạt nhiều thành công. Chính phủ, Quốc hội cũng quan tâm với nhiều đạo luật, nghị định mới, nhưng quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc.

"Tôi đề nghị trong 6 tháng cuối năm cũng như 5 năm tới, Chính phủ quan tâm hơn đến vấn đề này. Chỉ khi triển khai tốt tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp thì mới có nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển", ông Quân nhấn mạnh.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có ba vấn đề cần điều chỉnh. Thứ nhất, thời gian qua, cơ sở giáo dục cũng như cơ sở y tế đóng góp quan trọng vào cắt giảm chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nhưng chủ trương và tư duy của Chính phủ, cũng như nhiều chính sách thay đổi. Tự chủ không còn đi liền với cắt giảm chi thường xuyên của ngân sách, mà chuyển từ chi thường xuyên sang chi đặt hàng. Tuy nhiên, quá trình này triển khai lúng túng, chi đặt hàng còn rất khó khăn và thiếu hành lang pháp lý.

Đại biểu Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội sáng 25/7. Ảnh: Giang Huy

Đại biểu Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Quốc hội sáng 25/7. Ảnh: Giang Huy

Theo ông Quân, những lĩnh vực như an ninh quốc phòng, sư phạm có thể đặt hàng là chỉ tiêu cho khu vực công, còn khu vực tư đa phần các doanh nghiệp không thể ký trực tiếp đặc hàng, trừ một số doanh nghiệp lớn cần nhân lực kỹ thuật sâu và chuyên môn kỹ năng cao. Do đó, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển sang tự chủ nhưng không nhận được chi thường xuyên. Điều này khiến các trường thấy sốc.

"Ưu tiên cho phát triển giáo dục đại học, nghề nghiệp đòi hỏi ngân sách nhà nước phải tăng cao hàng năm chứ không có nghĩa là giảm đi", ông Quân nói, kiến nghị Chính phủ thời gian tới cần có quan điểm chuyển chi thường xuyên của cơ sở giáo dục đại học tự chủ thành chi đầu tư. Số tiền này có thể không chi trả lương nhưng cần chi đầu tư để giúp nâng cao chất lượng và thu hút được người học.

Vấn đề thứ hai cần phải thay đổi, theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội là chính sách và các quan điểm về học phí. Ông nói, mức học phí hiện nay thấp, ngân sách đảm bảo mức không cao, trong khi lại có quy định mức trần học phí (mức học phí cao nhất). Mức trần này đáp ứng rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của các cơ sở giáo dục.

Do đó, cần có chính sách thật tốt để con em nhà nghèo, học giỏi có thể tiếp cận được học bổng, đảm bảo quyền học đại học. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành "học đại".

Quan điểm của ông Quân, cần phải coi học phí với người học là nguồn đầu tư. Theo thông lệ quốc tế, tiền học phí phải tương đương 2 năm tiền lương sau khi tốt nghiệp. Như vậy mới đảm bảo được nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

"Tôi kiến nghị các cơ sở giáo dục không nhất thiết phải tự chủ hoàn toàn mới được xác định học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật", ông nói.

Thứ 3, tư duy về tự chủ nhưng cũng thay đổi tư duy quản lý nhà nước. Ông Quân đánh giá nhiệm kỳ trước có chuyển biến rất tích cực, hệ thống đang chuyển biến tốt, "hy vọng nhiệm kỳ này tiếp tục chuyển biến hơn".

Tự chủ thì phải quản lý chất lượng đầu ra và có bộ chỉ số để đánh giá được hiệu quả, chất lượng của từng cơ sở, ngành nghề, chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tự chủ là để từng cơ sở có trách nhiệm giải trình việc mình đóng góp ra sao cho xã hội.

Tự chủ không phải là đếm số m2, số giáo viên rồi cho chỉ tiêu tuyển sinh, hay can thiệp quá sâu, quy định chức danh này kiêm chức danh kia, bắt buộc chủ tịch Hội đồng trường phải là cơ hữu. Điều này là hạn chế vì nhiều trường, cơ sở có thể mời người có vai trò quan trọng với trường tham gia điều hành Hội đồng trường.

"Những quan điểm như giảng viên phải dạy chính quy xong mới được dạy tại chức, dạy đại học xong mới được dạy cao học... cần thay đổi để đảm bảo các đơn vị được tự chủ về học thuật cao hơn", ông Quân nói.

Hoàng Thùy


Bình luận