Chủ nhật, 25/7/2021, 10:56 (GMT+7)
Không giành huy chương ở Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 5 nhưng cái tên Trang Đào Công Minh đã xuất hiện trên bảng vàng Olympic quốc tế.
Sáng 24/7, ngủ dậy lúc gần 9h, Trang Đào Công Minh, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bất ngờ khi nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng kèm đường link với nội dung "Việt Nam giành ba huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế". Mở ra đọc, thấy mình là chủ nhân của một trong ba huy chương vàng đó, em vỡ òa hạnh phúc.
"Em biết mình đã làm tốt trong hai buổi thi, cũng đoán sẽ có huy chương chứ không phải chỉ tấm bằng khen như ở kỳ thi khu vực châu Á, nhưng không nghĩ sẽ giành giải vàng", Minh nói. Tấm huy chương vàng ở Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm nay và huy chương bạc Olympic Vật lý phân tán quốc tế (IdPhO) năm ngoái khiến Minh củng cố niềm tin theo đuổi Vật lý là đúng đắn.
Vốn học tốt Toán, đến năm lớp 7, Minh bắt đầu yêu thích Vật lý sau khi đọc sách của các anh chị lớp trên trong nhà và tìm hiểu trên mạng. Thấy Vật lý gần giống Toán nhưng lại có gì đó hay hơn, nam sinh bắt đầu ôn tập và đưa môn này vào lựa chọn để thi chuyên. Trượt trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vì bị liệt môn tiếng Anh, đạt kết quả không cao khi thi vào chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng Minh không thấy buồn bởi đạt được mục tiêu lớn nhất là đỗ chuyên Khoa học tự nhiên.
Vào được ngôi trường THPT mơ ước, Minh lại đặt mục tiêu vào đội tuyển của trường để được học nhiều kiến thức mới về Vật lý. "Em chỉ nghĩ đến vậy chứ không hề nghĩ được vào đội tuyển quốc gia rồi đi thi quốc tế bởi vào được đội tuyển của trường đã rất khó khăn, phải qua 4-5 vòng thi mà trong hai vòng đầu điểm em luôn ở top cuối", Minh nhớ lại. Thế nhưng khi chính thức được chọn vào đội tuyển, được bạn bè động viên "phải được vào tuyển quốc gia" để được tuyển thẳng đại học, Minh quyết định cố gắng hơn cho mục tiêu mới.
Ngoài sự hướng dẫn của thầy cô, Minh tự học rất nhiều. Tự nhận sẽ học không vào nếu tiếp cận với những gì không thích, Minh luôn tìm ra điểm thích thú ở mỗi phần kiến thức Vật lý để đào sâu. Đến lớp 11, được vào đội tuyển quốc gia, nam sinh từ chỗ liệt tiếng Anh khi thi vào lớp 10 phải dành ra vài tháng mày mò học để ít nhất có thể đọc tài liệu nước ngoài nhằm nâng cao kiến thức.
Kết quả, em được chọn đi thi quốc tế từ lớp 11. Nhưng năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IphO) bị hủy. Minh cùng các bạn đổi tuyển Việt Nam dự kỳ thi Olympic Vật lý phân tán quốc tế (IdPhO) do Bộ Khoa học Giáo dục Nga tổ chức. Em đã giành huy chương bạc.
Lên lớp 12, Minh tiếp tục góp mặt trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 5 và Olympic Vật lý quốc tế vào tháng 7. Với tấm huy chương bạc ở giải quốc tế năm ngoái, nam sinh được sự kỳ vọng và đánh giá cao từ thầy cô ở trường và cả thầy ôn luyện cho đội tuyển quốc gia. Việc chỉ nhận bằng khen mà không giành huy chương khiến Minh thất vọng, dằn vặt mình đã không chuẩn bị tốt.
Tự thấy thiếu kinh nghiệm, tâm lý đi thi không vững khiến bị mất điểm ở bài thi thí nghiệm, Minh quyết nâng cao phần này để thi quốc tế vào tháng 7. Quãng thời gian tập trung học đội tuyển ở Đại học Sư phạm Hà Nội, em thường xuyên xin lên phòng thí nghiệm học và chủ động nhờ thầy hướng dẫn thêm.
Vào ngày thi chính thức, Minh và các bạn phải làm ba bài lý thuyết trong 5 giờ và hai bài thực hành cũng trong 5 giờ. Với bài lý thuyết, thấy "dễ thở" hơn các năm trước nhưng theo Minh điều này đồng nghĩa phải cẩn thận mà đó lại là điểm yếu của em. Không làm tốt như mong đợi nhưng Minh vẫn đoán đủ để có huy chương nếu không mắc sai lầm ở bài thực hành như đợt thi châu Á.
Với bài thực hành, Minh mất khá nhiều thời gian vì phải làm quen với những dụng cụ thí nghiệm chưa gặp bao giờ. Em cũng phải làm quen với máy tính của ban tổ chức để thực hiện những câu thí nghiệm ảo do không được dùng laptop cá nhân. Chưa kể, bài thực hành năm nay được đánh giá khó, phải tính toán, phân tích nhiều. Dù vậy, nam sinh hài lòng vì đã làm tốt hơn đợt thi châu Á.
Thầy Nguyễn Công Toản, giáo viên chủ nhiệm của Minh, phụ trách đội tuyển Vật lý trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, đánh giá cao bản lĩnh và ý chí của Minh. Nhắc lại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á hai tháng trước, thầy Toản cho rằng đó là cú vấp ngã rất lớn của Minh. Em mắc một lỗi ngay bước đầu tiên của thao tác xử lý với phần mềm thí nghiệm ảo. Điều này khiến em gần như mất hết điểm một bài thực nghiệm dẫn đến trượt huy chương, thậm chí là vàng.
"Sau cú vấp ngã đó, tôi không thấy Minh tỏ vẻ chán chường. Em biết chấp nhận kết quả thất bại và tiếp tục cố gắng để bước tới kỳ thi IPhO. Lần này, em không phụ sự kỳ vọng của thầy cô và chính mình. Tấm huy chương vàng là rất xứng đáng với Minh. Thầy cô trường Chuyên Khoa học tự nhiên rất vui với kết quả này và tự hào về em", thầy Toản nói.
Giành được huy chương vàng sau ba lần thi quốc tế, Minh biết ơn vì được trải qua ba năm THPT ý nghĩa, lĩnh hội được nhiều kiến thức trong lĩnh vực yêu thích, gặp được những người bạn có cùng đam mê ở khắp cả nước. Em hơi nuối tiếc vì "đi" thi quốc tế nhưng chưa được ra nước ngoài để giao lưu với bạn bè các nước do ảnh hưởng của Covid-19. Thế nhưng những trải nghiệm ngay tại Việt Nam cũng rất đủ để em khép lại thời học sinh.
Năm học tới, chàng trai Hà Nội sẽ nhập học Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Em sẽ tiếp tục trau dồi, đặc biệt là tiếng Anh, để tìm kiếm cơ hội du học trong tương lai.
Dương Tâm