Hàng xóm nhà tôi bán online, vẫn để chồng mặc áo tài xế xe công nghệ để đi giao hàng cho khách dù thành phố đang giãn cách. Trường hợp này bị xử lý thế nào? (Hồng Hạnh)
Luật sư tư vấn
Căn cứ Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng và Công văn số 2279 của UBND TP HCM về triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như:
- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.
- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.
- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại Mục 4 của văn bản này.
Việc hàng xóm của bạn giả mạo shipper để ra đường giao hàng hóa không thiết yếu đã vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay chưa có hướng dẫn về phương án xử lý trong trường hợp cụ thể này. Tuy nhiên, căn cứ vào điểm a khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi ra đường không có lý do chính đáng nêu trên có thể bị xử phạt tiền 1-3 triệu đồng.
Hiện chỉ có các shiper thuộc các đơn vị vận chuyển đã đăng ký được phép hoạt động và phải có các giấy tờ chứng minh như: lệnh giao dịch thông qua app, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, hóa đơn hàng thiết yếu... Lực lượng chức năng có thể kiểm tra người giao hàng để phạt các trường hợp giả mạo. Vì vậy, người dân lợi dụng "mánh" này để hợp thức hóa việc ra đường không lý do chính đáng sẽ bị xử lý nghiêm.
Để tăng cường biện pháp phòng chống dịch, toàn thành phố đang siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16, do đó các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý mạnh hơn, đặc biệt với những hành vi bất chấp, cố tình vi phạm, trường hợp giả shipper, mang theo đồ thiết yếu ra đường để "lách luật"...
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha