Maldives trở thành câu chuyện thành công lớn nhất về du lịch trong năm 2020, khi cả thế giới chật vật vì Covid-19.
Quần đảo nằm trên biển Ấn Độ Dương này mỗi năm đón 1,7 triệu du khách. Năm 2020, chỉ có hơn 555.000 khách ghé thăm. Mặc dù lượng khách sụt giảm đáng kể, con số trên vẫn khiến ngành du lịch Maldives trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất trong bối cảnh đại dịch.
Trong khi nhiều điểm đến khác đóng cửa biên giới, chính phủ Maldives đã mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế từ bất kỳ đâu, bất kể tình trạng đại dịch tại nước họ từ tháng 7/2020. Một phần nguyên nhân cho quyết định này là vấn đề tài chính. Theo dữ liệu từ Đại học Bang Michigan, ngành du lịch đóng góp tới 28% GDP của Maldives.
Bên cạnh đó, địa hình của Maldives cũng có lợi cho công tác giãn cách, phòng ngừa dịch bệnh. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng nằm trên các hòn đảo tư nhân biệt lập. Và du khách có hơn 1.000 nơi như vậy để lựa chọn.
Ngoài ra, những hòn đảo nổi tiếng của châu Á và Thái Bình Dương như Tahiti, Bali và Phuket thận trọng mở cửa biên giới. Điều này khiến lựa chọn về điểm đến của du khách từ các nước châu Âu, Mỹ bị giới hạn. Do đó, Maldives tận dụng được lợi thế kiểm soát tốt đại dịch để hút khách. Họ thậm chí không yêu cầu du khách cách ly bắt buộc hai tuần tại khách sạn, như một số điểm nghỉ dưỡng hút khách khác là Thái Lan và Sri Lanka.
Thoyyib Mohamed, CEO Maldives Marketing & PR Corporation, cơ quan quản lý du lịch quốc gia, đồng tình với những quan điểm trên của CNN. Mohamed nói rằng lợi thế lớn nhất là đặc điểm địa lý độc đáo của Maldives, quy trình vệ sinh nghiêm ngặt, sự phân cách du khách trên các hòn đảo khác nhau... Tất cả tạo nên sự hấp dẫn đối với những du khách muốn tránh xa mọi thứ liên quan đến đại dịch. "Chúng tôi quảng bá điểm đến như một nơi trú ẩn an toàn cho khách du lịch", ông Mohamed cho hay.
Cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều khu nghỉ dưỡng có dịch vụ đưa đón bằng thuyền, máy bay tư nhân được tích hợp sẵn trong tour trọn gói. Điều đó đồng nghĩa với việc du khách có thể về thẳng nơi nghỉ dưỡng của mình mà không phải gặp quá nhiều du khách khác, nếu có. Đây là một điều lý tưởng về mặt hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn ngừa lây nhiễm trong đại dịch.
Jan Tibaldi, tổng giám đốc của khu nghỉ dưỡng One & Only Reethi Rah, cho biết họ không đón nhiều khách bằng năm 2019. Đổi lại, thời gian khách lưu trú lại dài hơn. Để bắt kịp với xu hướng mới, các khu nghỉ dưỡng ở đây cũng tung ra nhiều gói ưu đãi đặc biệt, đáp ứng thời gian lưu trú kéo dài cùng thói quen sử dụng công nghệ để học tập và làm việc từ xa. Một trong số đó là gói ưu đãi 28 ngày gồm ăn sáng, Internet tốc độ cao, các hoạt động chăm sóc sức khỏe, câu lạc bộ dành cho trẻ em... có giá từ 42.600 USD cho gia đình 4 người.
Tuy nhiên, thực tế không có câu chuyện thành công nào hoàn toàn tươi sáng trong thời kỳ đại dịch. Maldives cũng phải trả giá ít nhiều cho chính sách không kiểm dịch bắt buộc, khi số lượng các ca nhiễm nCoV bắt đầu tăng. Do đó, vào tháng 9/2020, chính phủ nhanh chóng sửa lại chính sách, yêu cầu tất cả du khách ghé thăm phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính nCoV.
Tháng 3 năm ngoái, nơi này từng đóng cửa biên giới, trong khi 500 khách du lịch còn lưu lại đây. Nhiều người làm trong lĩnh vực dịch vụ du lịch cũng cảm thấy như mình đang "mắc kẹt ở thiên đường", vì họ buộc phải ở lại các khu nghỉ dưỡng để chăm sóc một số ít du khách.
Một số nhân viên người địa phương cũng bị nhiễm nCoV. Hai nhân viên tại Kuredu Island Resort & Spa dương tính với virus vào tháng 3/2020. Để đề phòng, toàn bộ khu nghỉ dưỡng đã bị phong toả. Mặc dù cách ly trên một bãi biển nhiệt đới đẹp như tranh vẽ không phải là viễn cảnh tồi tệ nhất với du khách, nhưng với các nhân viên, việc phải ở lại đây vô thời hạn không phải điều họ mơ ước.
Anh Minh (Theo CNN)