Theo báo cáo tình hình Tiêu thụ thịt chó, mèo năm 2021 của tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws, có 88% người Việt ủng hộ cấm nạn buôn bán chó, mèo thịt.
Một khảo sát khác của tổ chức này cũng cho biết, có 95 % người được hỏi cho rằng việc ăn thịt chó, mèo không phải là văn hóa của người Việt Nam. Những con số có cho thấy rằng người Việt dần xem thịt chó không còn là món ăn "hay ho"?
Sợ ăn nhầm "thành viên gia đình của người khác"
Không tự nhận mình là người yêu chó, mèo nhưng đã hơn 10 năm nay, anh Thiên Hải (40 tuổi ở TP.Thủ Đức) không còn ăn thịt chó. Theo quan sát của anh, những năm gần đây, càng có nhiều người Việt xem chó, mèo là thú cưng. Họ dành thời gian chăm sóc, yêu thương và xem như một thành viên trong gia đình.
"Theo tôi biết, nước ta không có nơi nào nuôi chó giết thịt với quy mô trang trại. Một bộ phận người dân nuôi rồi bán thịt cũng hiếm. Vì thế, thịt chó ở các hàng quán chủ yếu được cung cấp bởi những kẻ trộm. Tôi sợ mình vô tình ăn phải thú cưng của một ai đó mà họ rất yêu thương", anh Hải nói.
Bạn nghĩ sao về việc ăn thịt chó?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Kịch liệt phản đối
Không nên ăn
Có thể ăn vì nó là món lâu đời
Thỉnh thoảng vẫn ăn vì rất ngon
Ý kiến khác
Người đàn ông thừa nhận trước đây bản thân cũng thường ăn thịt chó và hiếm khi từ chối lời mời của bạn bè. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng thay đổi và phát triển, nhiều loại thực phẩm cũng ngon, bổ, rẻ nên thịt chó không còn là lựa chọn.
Anh Dương Thanh Hữu (37 tuổi ở quận Tân Phú) cũng bắt đầu ăn thịt chó từ thời sinh viên. Theo anh, món này nhìn chung rẻ hơn so với các món nhậu khác. Khi chế biến, thường sử dụng nhiều loại gia vị như riềng, sả, ớt... tạo ra một hương vị rất đặc trưng. Nếu ăn vào mùa mưa và uống rượu thì cảm thấy "ấm người và khỏe ra".
Tuy nhiên, sau khi lấy vợ được 1 năm, anh chứng kiến vợ mình vội vàng chạy về nhà mẹ ruột khi hay tin chú chó gia đình nuôi hơn 10 năm qua đời vì tuổi già.
"Cô ấy vừa đi, vừa khóc nức nở. Tôi có cảm giác cô ấy vừa mất đi một người thân chứ không phải là một con chó", anh Hữu kể.
Ăn thịt chó có thể vô tình tiếp tay cho nạn trộm cắp?
Cuối năm 2014, bà Trần Thị Lệ Thủy (55 tuổi, ở quận Bình Thủy, Cần Thơ) nhặt 2 chú chó con trôi dạt theo đám lục bình vào mùa nước nổi về nuôi. Như một cái duyên, bà trở thành người cưu mang gần 40 chú chó bị bỏ rơi, bệnh tật suốt 9 năm nay.
"Nếu không có tình thương, tôi không thể dành thời gian chăm sóc đàn chó suốt 8 năm qua. Dù mệt nhưng hễ nhìn vào ánh mắt và cử chỉ tình cảm của chúng là tôi cảm thấy vui. Vì thế, một điều chắc chắn là tôi không ủng hộ việc ăn thịt chó", bà Thủy nói.
Người ăn thịt chó luôn có những lý do để thưởng thức món ăn và đó là quyền tự do của mỗi người, vì pháp luật Việt Nam hiện nay không hề cấm. Nhiều người có quan điểm miễn không trực tiếp giết hoặc trộm chó thì cứ vô tư ăn và không cảm thấy tội lỗi.
"Tuy nhiên, họ không biết rằng việc tiêu thụ thịt chó góp phần làm gia tăng nạn trộm chó ở nhiều nơi, dẫn đến các vấn đề mất an ninh trật tự trong xã hội", bà Thủy nhấn mạnh.
Từng xem chó là thú cưng nuôi trong nhà, nhưng bà Thủy nhiều lần phải giải cứu những chú chó bị chính chủ bỏ rơi khi chúng bị bệnh nặng, khó chữa.
Việc không triệt sản cho thú cưng dẫn đến việc sinh sản liên tục làm gia tăng chó con. Nếu không quan tâm chăm sóc, chúng chỉ còn cách ra đường kiếm ăn. Nuôi chó nhưng không có biện pháp bảo vệ như nhốt, xích mà để chúng vô tư chạy rông cũng vô tình làm tăng nạn trộm chó.
Là quản trị viên của một nhóm yêu chó mèo ở Cần Thơ, mỗi ngày bà Thủy duyệt khoảng 5 -7 bài viết đăng tìm chó bị lạc. Vì thế, theo bà Thủy, vấn đề tiêu thụ thịt chó còn liên quan đến nhiều bên, không nên chỉ chê trách người ăn trực tiếp. Quan trọng nhất là trách nhiệm của chủ nuôi chó.
"Chủ nuôi không có ý thức, vô tình tạo cơ hội cho người trộm chó. Nếu không có chó bị trộm thì lấy đâu ra người bán, người ăn thịt chó", bà Thủy trăn trở.
Theo bác sĩ dinh dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp, việc sử dụng loại gia súc, gia cầm nào làm thực phẩm thì phải được kiểm soát các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Loại gia súc, gia cầm đó phải có nguồn gốc rõ ràng, được nuôi với mục đích làm thương phẩm.
Vị bác sĩ không phủ nhận một số điểm lợi từ món thịt chó khiến nhiều người vẫn có thói quen sử dụng. Song, việc ăn thịt chó, mèo hiện nay gây tranh cãi vì thường liên quan đến tình trạng trộm cắp chó nhà nuôi, vi phạm đạo đức con người.
"Chúng ta có thể cung cấp đạm cho cơ thể từ thịt động vật như heo, bò, gà, dê… và các loại thủy hải sản, trứng", bà Diệp nói.