Quả trứng vừa luộc lên lòng trắng đã chuyển sang màu hồng khiến nhiều người vừa tò mò vừa băn khoăn không biết nên ăn hay không?

Mạng xã hội chia sẻ bài đăng của một chủ tài khoản về việc quả trứng sau khi luộc lòng trắng thành màu hồng thu hút sự quan tâm của nhiều người. "Trứng vịt mình luộc ra có màu hồng là bị gì vậy mọi người. Mình tìm hiểu thấy bảo do chuẩn bị ung nên sẽ có màu hồng. Tuy nhiên, trứng nhà mình vịt mới đẻ, cũng không có mùi nên muốn biết thêm thông tin chính xác hơn. Đây là trứng nhà chứ trứng mua chắc bỏ không dám ăn trứng nữa luôn", tài khoản này viết.

Vì sao trứng chuyển thành màu hồng?

Dưới bài đăng nhiều người cũng thắc mắc không hiểu vì sao có hiện tượng này. Dù chưa rõ lý do quá trứng chuyển sao màu hồng nhưng ai nấy đều cho rằng tốt nhất không nên ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Tài khoản Minh Anh bình luận: "Lần đầu tiên mình thấy quả trứng màu hồng, nghĩ là luộc chung với nước sau dền nhưng lại không phải vì vỏ trứng vẫn có màu trắng". Bạn Thương Huyền chia sẻ: "Nhìn quả trứng có màu hồng xinh quá nhưng không nên ăn vì phải có nguyên nhân mới có hiện tượng lạ như vậy".

 Chuyên gia dinh dưỡng nói gì?- Ảnh 1.

Quả trứng luộc lên chuyển thành màu hồng khiến nhiều người thắc mắc

MXH

Chia sẻ với Thanh Niên, ThS Dược lâm sàng, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Hoàng Kim Long cho biết, hiện tượng lòng trắng trứng chuyển màu, có mùi chua, mốc… là không hiếm gặp. Đây không phải là hiện tượng lạ vì nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn Pseudomonas. Loại vi khuẩn này còn gọi trực khuẩn mủ xanh gây ra nhiều bệnh và nhiễm trùng bệnh viện như viêm phổi , nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết (máu). Dù là nguyên nhân gì nếu quả trứng có biểu hiện là về màu sắc, mùi vị khác bình thường mọi người không nên ăn quả trứng đó.

"Vi khuẩn Pseudomonas thường có trong phân, có thể quả trứng đã bị dính phân và lý do khách quan nào đó (vỏ bị vỡ) mà vi khuẩn vào được bên trong và sinh sôi phát triển ở lòng trắng trước trước khi người dùng luộc lên. Vì vậy, khi chọn mua trứng mọi người nên chọn quả sạch, vỏ trứng bình thường không bị rạn nứt hoặc vỡ", ThS, BS Long nói.

Bảo quản trứng như thế nào?

Cũng theo ThS, BS Long trứng là món ăn hàng ngày quen thuộc với mỗi gia đình. Tuy nhiên nếu không biết cách bảo quản trứng rất dễ hỏng. Bản chất vỏ trứng là xốp, có tác dụng thông khí, giúp vi khuẩn bên ngoài vỏ không xâm nhập được vào bên trong.

 Chuyên gia dinh dưỡng nói gì?- Ảnh 2.

Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng không nên ăn trứng có biểu hiện khác thường

MXH

Vì vậy mọi người không nên rửa sạch trứng trước khi bảo quản, có thể lau nhẹ bụi bẩn trước khi bảo quản nhưng không chà xát vỏ. Khi chế biến, hãy đập từng quả trứng vào chén trước khi thêm vào bất cứ món ăn nào bạn đang nấu. Bằng cách đó, nếu vỏ bị vỡ và trứng bị hỏng sẽ không ảnh hưởng toàn bộ món ăn của mình.

Trứng được bảo quản ở điều kiện thường, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời gây ảnh hưởng cấu trúc vỏ trứng. Ngoài ra trứng có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Trứng có một lớp phủ tự nhiên bên ngoài giúp giữ trứng không bị hư bên trong.

"Nếu đã rửa sạch, trứng phải được bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, trứng chưa rửa có thể được bảo quản trong tủ mát hoặc phòng sau trong nhiều tuần. Lý tưởng nhất là nhiệt độ dưới 10 độ C và độ ẩm khoảng 75%. Ngoài ra có các cách bảo quản trứng khác: trứng muối, trứng đông lạnh, trứng sấy khô, trứng thủy tinh, sử dụng vôi tôi, sử dụng dầu khoáng, sử dụng đất sét …. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là bảo quản trứng ở điều kiện thường hoặc trong ngăn mát của tủ lạnh. Trứng sẽ để được khoảng 6 - 8 tuần", ThS, BS Long chia sẻ.

Việc mua trứng để sử dụng ngày nay rất dễ do nhiều cửa hàng, siêu thị đều có loại thực phẩm này. Vì vậy, vị BS khuyên mọi người chỉ nên mua và sử dụng trứng trong vòng 1 – 2 tuần sau khi bảo quản để có những món ăn ngon và nhận được đầy đủ dinh dưỡng từ trứng.

Cách bảo quản trứng bà nội trợ cần biết:

1. Không rửa sạch trước khi bảo quản:

Lau nhẹ bụi bẩn trên vỏ trứng nhưng không chà xát để tránh làm mất lớp phủ tự nhiên bảo vệ trứng.

2. Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát:

Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp để không làm ảnh hưởng đến cấu trúc vỏ trứng.

3. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh:

Giữ trứng ở nhiệt độ dưới 10 độ C và độ ẩm khoảng 75%.

Trứng đã rửa sạch phải được bảo quản trong tủ lạnh.

4. Kiểm tra trứng trước khi sử dụng:

Đập từng quả trứng vào chén trước khi thêm vào món ăn để tránh làm hỏng toàn bộ món ăn nếu trứng bị hỏng.

5. Thời gian bảo quản:

Sử dụng trứng trong vòng 1-2 tuần sau khi mua để đảm bảo độ tươi ngon và dinh dưỡng.

Trứng có thể để được khoảng 6-8 tuần nếu bảo quản đúng cách.


Bình luận