Bán món ăn với tên gọi 'thấy ghê' - chè 'phân gà' chỉ 2 ngày mỗi tháng, chị Nhật Bình (ngụ TP.HCM) làm không kịp nghỉ tay vì khách kéo đến ùn ùn. Sức hút của món ăn có...

Thời gian qua, quán chè "phân gà" của chị Bình được mạng xã hội chia sẻ ào ạt. Nhiều người thích thú, tò mò về tên gọi độc lạ của món ăn này tìm đến thưởng thức, khiến quán bình thường đông khách nay lại càng đông hơn.

 Chỉ bán 2 ngày/tháng nhưng khách luôn chật kín- Ảnh 1.

Gia đình chị Bình bán chè "phân gà" 3 đời

Sao tên nghe "kỳ cục" vậy?

Ngày cuối tuần, tôi dậy sớm ghé quán chè của chị Nhật Bình nằm ở phía trước chùa Phật Bà Quan Âm (Q.Tân Phú, TP.HCM). Sở dĩ tôi phải đi vào ngày này vì mỗi tháng, quán chỉ mở cửa 2 ngày là mùng 1 và ngày 15 âm lịch, nếu bỏ lỡ phải chờ đến tận nửa tháng sau mới được thưởng thức.

Hơn 8 giờ sáng, khách đã vây kín quán chè nhỏ này, đa phần là người đi chùa. Cũng có những người sống gần đó "đến hẹn lại lên" ghé quán ăn như thường lệ. Nhiều người là khách mới, biết đến quán qua mạng xã hội nên tìm đến thưởng thức xem chè "phân gà" có vị thế nào.

Chị Nhật Bình cười tươi, niềm nở làm món cho khách. Chị chủ giới thiệu đây là món ăn truyền thống, quen thuộc của người Hoa có tên gọi "cáy xỉa thằng" dịch ra tiếng Việt là "phân gà".

 Chỉ bán 2 ngày/tháng nhưng khách luôn chật kín- Ảnh 2.

Món chè có màu xanh đen đặc trưng

 Chỉ bán 2 ngày/tháng nhưng khách luôn chật kín- Ảnh 3.

Quán được đông khách ủng hộ, hết lượt khách này đến lượt khách khác

"Đó là lý do mà người ta hay gọi chè này là chè "phân gà". Tên có phần xấu xí nhưng thực tế đây chỉ là món chè được làm từ 2 nguyên liệu chính là lá mơ lông và bột gạo. Lá mơ tôi rửa sạch đem xay với gạo, sau đó cho thêm ít bột năng rồi đem hấp cho chín. Sau đó cắt ra từng sợi nhỏ vừa ăn", chị chủ chia sẻ.

Tiết trời TP.HCM những ngày đầu tháng 12 buổi sáng lành lạnh dễ chịu, ngồi cạnh bếp than hồng của quán, tôi gọi một phần chè "phân gà" để thưởng thức xem mùi vị ra sao.

Chén chè nóng hổi, nhìn hấp dẫn với những sợi bột mềm, dẻo, dai dai có màu xanh đen đẹp mắt. Sợi bột không nặng mùi mơ lông mà có mùi thơm dịu nhẹ khi nguyên liệu chính đã được xử lý, trộn với một tỉ lệ bột vừa vặn. Đặc biệt, tôi ấn tượng với phần nước chè không quá ngọt, thoang thoảng mùi thơm của gừng tươi được chị chủ cho vào.

 Chỉ bán 2 ngày/tháng nhưng khách luôn chật kín- Ảnh 4.

Món ăn này dùng nóng sẽ ngon hơn, theo lời chủ quán

[CLIP]: Độc lạ quán… chè "phân gà'" ở TP.HCM: Có gì hấp dẫn sau tên gọi "kỳ cục"?

Chị Nhật Bình nói rằng món ăn này ăn nóng sẽ ngon hơn so với ăn lạnh. Dù quán chè của chị còn bán thêm một số loại khác như chè bắp, chè hạt sen… nhưng chè "phân gà" vẫn là món ăn "best seller" bởi đa phần khách đến quán cũng vì món này.

Quán chè 'phân gà' 3 đời

Phụ bán chè với chị Nhật Bình còn có vợ chồng chị Phương, là em gái của chị chủ. Trước đó, chị Phương cũng làm nhiều công việc khác nhau, nhiều năm trở lại đây mới bắt đầu cùng chị gái nối nghiệp gia đình.

Chị Phương cho biết quán chè của nhà mình có thâm niên hơn 20 năm ở đây, trải qua 3 đời, từ đời bà ngoại đến đời mẹ chị, nay là chị em chị. Cách nấu chè, chị em chị Phương cũng được học hỏi từ bà, từ mẹ.

Bà Mai (Q.Tân Phú) là một trong những khách ruột của quán cho biết đã ăn chè ở đây từ đời của bà ngoại chị Nhật Bình bán, nay cũng đã hơn 20 năm. Bà thích nhất vẫn là món "cáy xỉa thằng", hầu như tháng nào cũng ghé.

Nhiều người là khách quen của quán hàng chục năm qua

"Tháng nào tôi cũng đi chùa 2 lần, mỗi lần lại ghé đây ăn. Chè này có tên nghe ghê vậy chứ ăn ngon, do dịch lại tiếng của người Hoa mới có tên vậy thôi. Nay tôi ăn xong còn mua về cho gia đình. Vị ở đây ăn quen rồi, không quá ngọt, còn bán là tôi còn ăn", bà cười, chia sẻ.

Chủ quán cho biết mỗi phần chè ở đây có giá 16.000 đồng. Bên cạnh đó, chị cũng bán những sợi chè khô, có thể bảo quản hơn 1 tuần trong tủ lạnh, khi cần dùng khách có thể đem ra nấu với giá 140.000 đồng/kg.

Nói về lý do chỉ bán 2 ngày mỗi tháng ở trước chùa, chị Bình chia sẻ rằng ngày thường chị bán ở khu vực chợ Phú Bình (Q.Tân Phú), tuy nhiên không bán món chè này vì không có chỗ nấu. Vào 2 ngày này, khách đi chùa đông. Đó cũng là lịch bán của quán suốt hàng chục năm qua nên chị không thay đổi.

 Chỉ bán 2 ngày/tháng nhưng khách luôn chật kín- Ảnh 7.

 Chỉ bán 2 ngày/tháng nhưng khách luôn chật kín- Ảnh 8.

2 chị em chị Bình hạnh phúc khi nối nghiệp quán chè của mẹ và bà

Quán bán từ 7 giờ sáng tới hơn 19 giờ tối, có khi hết sớm. Với chị chủ, được bán món chè truyền thống người Hoa với công thức gia đình của mẹ, của bà, được những khách quen, khách lạ ủng hộ và thưởng thức ngon lành món ăn của mình là niềm hạnh phúc.


Bình luận