Với một người ở độ tuổi ngoài 40 như tôi, mỗi dịp xuân về, những chiếc bánh tết thủ công xứ Quảng dậy mùi trong ký ức.
Nhắm mắt lại, vẫn nhẩm đếm được trên chiếc bàn trà tiếp khách ngày tết, má đặt những chiếc bánh thuẫn tròn ủm ở giữa, những chiếc bánh in xung quanh, và chêm vào những miếng bánh lăn cắt khéo…
Bánh thuẫn |
DIỆU HIỀN |
Để có những chiếc bánh tết thời ấy, gia đình tôi đều làm thủ công hoàn toàn, cùng những loại mứt khác. Những chiếc bánh ngày ấy được làm vất vả hơn bây giờ nhiều, vì giờ gì cũng sẵn, còn hồi ấy trứng cũng phải mang ra ngoài “dịch vụ” đánh, bột mang ra “dịch vụ” xay, than tự ngồi quạt chứ không có bếp điện… Nhưng cảm giác cả nhà quây quần để có những chiếc bánh tết, cùng những câu chuyện rôm rả khiến những chiếc bánh thêm phần giá trị. Và chúng tôi cứ mặc định, có bánh thuẫn, bánh lăn, bánh in… thì mới thật sự là có… tết.
Sở dĩ, không khí tết ấy vẫn luôn “sáng đèn”, vẫn luôn được nuôi dưỡng trong tôi đến tận bây giờ, bởi tôi may mắn được làm dâu của một người phụ nữ Quảng Nam chuyên làm bánh tết cho xóm giềng, bà con trong làng xã…
Mỗi dịp tết về, trong nhà má chồng tôi bếp luôn đỏ lửa. Bà rang đậu chuẩn bị xay để làm nguyên liệu bánh in; và những chiếc nồi đun nấu bánh lăn luôn sôi ùng ục… Ở đó, luôn có tiếng gõ nhịp nhàng của những chiếc khuôn gỗ làm bánh in; những chiếc mâm chờ sẵn để đón những chiếc bánh lăn thơm sực nức ra lò…
Trong khi ấy, hàng xóm của bà cũng tất bật với những chiếc khuôn bánh thuẫn đặt trên những cái bếp than hồng, bên những thau bột vàng thẫm…, hương trứng, hương thơm vani bay đi khắp xóm…
Đôi khi tôi thấy thật kỳ lạ, mỗi mùa tết đến, những chiếc bánh quê mùa, mộc mạc ấy đắt hàng đến lạ lùng… Lạ lùng là bởi, đó vốn là những chiếc bánh có vị ngọt đang bị từ chối ở một xã hội hiện đại kiêng đường… Vậy mà, chúng vẫn đang tồn tại đó thôi.
Bánh in |
Má chồng tôi hay kể, bà có 2 “tệp” khách hàng đến mua bánh.
Một là những người già trong xóm, trong xã. Họ đến đặt mua gửi cho gia đình của những đứa con lập gia đình, sống ở phố thị. Có lẽ thói quen khó bỏ của họ luôn nghĩ: “Phải có những chiếc bánh ấy thì tết của những đứa con xa quê mới thật sự là… tết”. Và họ không muốn con mình quên đi cái tết quê hương…
Hai là những cô chuyên buôn bán các mặt hàng quê ra phố. Lần nào mang bánh quê ra phố dịp tết, bánh của các cô cũng nhanh chóng bán hết sạch. Người mua toàn độ tuổi trung niên. Những chiếc bánh tết của ký ức ấy, thật bất ngờ, vẫn đọng lại trong rất nhiều người, như một hồi ức không thể thiếu trong cuộc đời của họ…
Còn tôi, nhờ có “của nhà và của hàng xóm làm được”, nên những chiếc bánh tết xưa không bao giờ “ngủ quên” trong tôi, mà luôn hiển hiện trước mặt mỗi dịp xuân về. Tôi luôn thấy hạnh phúc và thỏa nguyện khi tết năm nào cũng có thể học má ngày trước, bày biện một mâm đủ đầy những chiếc bánh tết xưa… trong thời hiện đại này; trong sự trầm trồ, ngạc nhiên của khách đến chơi nhà. Tôi muốn mang lại cho những vị khách đầu năm của mình niềm vui được tìm lại ký ức tốt đẹp xưa…
Và mỗi đêm chờ đến giờ khắc giao thừa để đón mùa xuân mới, vợ chồng tôi đều pha ấm trà, nhâm nhi mở hàng những chiếc bánh tết quê. Vị trà khiến vị ngọt của những chiếc bánh thuẫn, bánh in, bánh lăn… không còn quá dư thừa, mà rất vừa vặn, hoàn hảo… Đủ để tiếp tục nhớ…