Cá khi nướng bị “vỡ”, lòi cả xương bên trong, toàn thân nhăn nhúm, không một chút bắt mắt nào. Tuy nhiên, thử gắp một con nhấm nháp xem sao? Bạn sẽ tiếp tục nhấm nháp con thứ hai, rồi thứ ba… và đến con cuối cùng. Bạn chỉ dừng lại khi đĩa cá ấy chỉ còn mỗi… rau ngò trong đĩa. Đừng vội bảo sao ăn nhiều vậy? Ngon thì ăn nhiều thôi, nhưng loài cá này chỉ lớn bằng ngón tay cái thì số lượng một đĩa có đáng là bao.
Đó là loài cá mương ở vùng rừng Khánh Vĩnh nằm sát chân đèo Khánh Lê thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cá mương là tên gọi quen thuộc, chúng có mặt hầu khắp ở các… mương nước trong nam ngoài bắc. Có lẽ người ta đặt tên “cá mương” là dựa vào không gian sống của loài cá này chăng? Nhưng “cá mương Khánh Vĩnh” thì lại sống dưới sông, khu vực này thuộc thượng nguồn sông Cái - con sông lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa.
Chị Nhỏ, chủ một quán ăn ở TT.Khánh Vĩnh, giải thích thêm về tập quán sinh hoạt loài cá này: “Chúng sống trong các gộp đá, lại ở nơi nước chảy tương đối mạnh nên rất khó bắt. Cá mương chỉ ra khỏi các gộp đá một khi nhận biết sự an toàn tuyệt đối. Hễ nghe một âm thanh bất an nào đó, cả đàn trốn ngay. Vì vậy, để bắt được loài cá mương này đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm và rất công phu. Thường thì người Raglai - dân tộc thiểu số vùng này, mới thiện nghệ trong việc vây đuổi để bắt cá mương”.
Kinh nghiệm của những tay “sát cá” cho biết, nhìn vào màu của vùng nước để biết có đàn cá mương trú ngụ hay không. Sau đó dùng vật cứng gõ vào các tảng đá, nghe động, đàn cá nhanh chóng thoát ra khỏi các gộp đá, lưới đã giăng sẵn chờ chúng. Săn cá mương vùng này vừa là thú vui lúc nông nhàn nhưng cũng có thêm thu nhập. Chị Nhỏ nói, nếu dưới Nha Trang muốn ăn cá mương Khánh Vĩnh tươi ngon, chỉ cần a lô cho chị, nửa tiếng sau sẽ có cá, “giãy đành đạch” luôn!
Vì cá chỉ ăn rong tảo hoặc phù du nơi thượng nguồn nên bụng con nào cũng xanh lặc lè màu rêu. Cứ để nguyên ruột cá vậy rồi cho chúng lên “giàn hỏa thiêu” từ các bếp than rực đỏ nếu là ăn cá nướng, hoặc bỏ vào chảo dầu đang sôi nếu ăn cá chiên. Khách không quá sốt ruột vì phải chờ lâu khi gọi món này. Chừng mươi phút là nghe một giọng lảnh lót từ anh bồi bàn: “Có ngay, có ngay”. Một đĩa cá mương giòn tan bày ra trước mặt thực khách.
Cái ngon của cá mương không phải do ướp gia vị, vì hầu như chủ quán chả ướp thứ gì, mà là do… cá tươi quá. Có cảm giác như loài cá này mang vị ngọt nguyên sơ của núi rừng rồi nhảy lên đĩa vậy. Chủ quán khuyên thực khách: “Phải chấm con cá này vào đĩa muối sống giã bằng ớt hiểm vùng này thì mới đúng bài”.
Quả là “đúng bài”, vì mùi thơm của cá như được nhân lên khi chúng tiếp cận với độ mặn vừa phải từ muối sống giã nhuyễn, đặc biệt là vị cay nồng rất đặc trưng của loài ớt chỉ thiên vùng này.
Hiện nay, một chuỗi “trạm dừng chân” hàng chục cây số từ TT.Khánh Vĩnh đến sát chân đèo Khánh Lê đã hình thành. Ngoài các món chình suối, ba ba, lươn…, thực khách sẽ được các chủ quán giới thiệu món “cá mương Khánh Vĩnh”. Trước khi vượt đèo Khánh Lê để lên xứ ngàn hoa Đà Lạt, thử nhấm nháp đĩa cá mương, một mùi hương quyến rũ sẽ theo bạn suốt cuộc hành trình.