Thứ tư, 28/7/2021, 09:53 (GMT+7)
Bộ Ngoại giao Mỹ chú trọng vào cuộc gặp giữa Thứ trưởng Sherman với Ngoại trưởng Vương Nghị, còn Bắc Kinh nhấn mạnh hội đàm giữa hai thứ trưởng.
Trong thông cáo sau chuyến thăm ngày 25-26/7 của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cuộc hội đàm giữa bà Sherman và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc thông qua truyền thông nhà nước, lại chú trọng vào thông tin về cuộc hội đàm giữa bà Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong.
Yuyuan Tantian, tài khoản mạng xã hội liên kết với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, hôm 27/7 đăng bài phân tích cho rằng chính phía Mỹ đã đề xuất tổ chức chuyến thăm của bà Sherman từ tháng 5 và việc bà được Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp sau hội đàm với Thứ trưởng Tạ Phong là "theo phép lịch sự". Bài phân tích cũng chỉ ra ông Tạ trong cuộc họp báo sau hội đàm đã thông báo rằng ông đã nêu "lằn ranh đỏ" và danh sách các hành động Mỹ cần thực hiện để cải thiện quan hệ song phương.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nêu tên Ngoại trưởng Vương Nghị trong thông cáo, không đề cập đến bất kỳ quan chức Trung Quốc nào khác tham gia hội đàm, tương tự thông cáo tuần trước về lịch trình của bà Sherman ở Thiên Tân.
Bắc Kinh muốn Sherman gặp Tạ Phong, người phụ trách chính sách Mỹ tại Bộ Ngoại giao, ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong và am tường về Tân Cương, hai vấn đề làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung. Trong khi đó, Washington muốn bà Sherman, quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Trung Quốc từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, gặp một quan chức cấp cao hơn. Không bên nào muốn tỏ ra bất lợi về thứ bậc trong cuộc gặp.
Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo, cho biết ngoài vấn đề về lễ tân và thứ bậc, cả Trung Quốc và Mỹ đều tham gia hội đàm với mong muốn thể hiện lập trường kiên quyết.
"Cả hai bên đều đưa ra yêu sách với nhau, và cả hai về cơ bản đều nói với người dân trong nước rằng họ sẽ không nao núng trước bên kia", ông nói.
Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, đồng tình quan điểm này khi cho rằng "cả hai bên đều muốn được coi là có lập trường không lay chuyển". "Quan hệ Trung - Mỹ đã trải qua rất nhiều thay đổi. Chính quyền Biden tăng cường cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Trung Quốc không chấp nhận điều đó và họ sẽ tiếp tục chống lại", Zhu nói.
Trong các cuộc hội đàm, Sherman nêu vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong, an ninh mạng, tình hình eo biển Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông, việc giam công dân Mỹ và Canada ở Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh từ chối hợp tác với cuộc điều tra thứ hai của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc Covid-19. Tuy nhiên, bà cũng tái khẳng định sự hợp tác trong các lĩnh vực như giải trừ vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Bắc Kinh cho biết ông Tạ đã nêu ra hai danh sách hành động Mỹ cần thực hiện, trong đó có dỡ hạn chế thị thực đối với đảng viên và sinh viên Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương kêu gọi Mỹ không thách thức hoặc tìm cách phá vỡ mô hình quản trị của Trung Quốc, không can thiệp vào sự phát triển, vi phạm chủ quyền hoặc làm tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Yogesh Gupta, cựu đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch và chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, cho biết Bắc Kinh đang gửi thông điệp rằng Washington phải tôn trọng các vấn đề nhạy cảm nếu muốn Trung Quốc hỗ trợ trong vấn đề khác.
"Các lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Mỹ có nhiều thứ trông cậy vào họ hơn là những gì họ cần từ Washington. Lần này, người Mỹ ở thế thủ khi họ tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh trong loạt vấn đề như biến đổi khí hậu, Triều Tiên, Iran, Afghanistan và các lĩnh vực khác, khi đảm bảo rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc", Gupta nhận định.
Huyền Lê (Theo SCMP)