Shopee, Lazada, Tiki, Grab... có nhiều bước đi chiến lược để giành thị phần tại thị trường tiềm năng Việt Nam.

"Ngay từ đầu, Shopee nhắm đến chi phí thấp. Nhắc đến Shopee, người dùng nghĩ đến giao hàng miễn phí", Nguyen Ngoc, một người bán áo và ví ở TP HCM chia sẻ với Nikkei.

Miễn phí giao hàng và phí trung gian thấp là một phần trong chiến lược marketing của Shopee ở Việt Nam. Điều này giúp công ty trở thành sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam, sau một thơi gian ngắn gia nhập thị trường. Shopee đồng thời tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp Covid-19. Kết thúc quý 3/2020, Shopee có 62 triệu lượt truy cập hàng tháng, tăng 80% so với cùng kỳ.

 Nikkei).

Shopee có lượt truy cập nhiều nhất ở Việt Nam, theo sau là Thế Giới Di Động, Tiki và Lazada. Ảnh: Nikkei.

Nền kinh tế số của Việt Nam (bao gồm thương mại điện tử, giao đồ ăn và gọi xe) chạm mốc 14 tỷ USD trong năm 2020, tăng 16% so với cùng kỳ. Con số này có thể tăng lên 52 tỷ USD trong năm 2025, theo báo cáo của Google.

Shopee đang vượt khá xa các đối thủ Việt Nam, khi xếp sau là Thế Giới Di Động với 29 triệu người truy cập website hàng tháng. Tiki và Lazada lần lượt là 22 triệu và 20 triệu, theo iPrice.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee ở Việt Nam, nói với Nikkei Asia rằng Shopee đã "thu hút người dùng vào hệ sinh thái bằng cách tăng cường tích hợp thanh toán điện tử".

Để cạnh tranh với Shopee, hồi tháng 11 năm ngoái, Lazada bắt tay với Grab ở Việt Nam. "Chúng tôi hy vọng có thể mang tất cả những gì Grab có cho các đối tác thương mại điện tử", ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, chia sẻ tại một sự kiện startup hồi cuối tháng 11/2020. Ông tin rằng hợp tác sẽ không chỉ dừng lại ở giao hàng chặng cuối. Lazada sẽ tận dụng tập khách hàng và mạng lưới tài xế của Grab, định hướng người dùng đến dịch vụ giao đồ ăn và đồng thời sử dụng dịch vụ giao hàng. Ngược lại, Grab gợi ý người dùng của mình sử dụng Lazada. Hợp tác của Lazada và Grab ở Việt Nam có thể sẽ nhân rộng ở các thị trường khác. "Tôi nhìn thấy nhiều vấn đề có thể hợp tác cùng nhau", ông Ming Maa nói thêm.

Cùng lúc, Tiki lại kỳ vọng lớn vào dịch vụ giao hàng 2 giờ nhờ chuỗi cung ứng từ đầu tới cuối cùng mạng lưới trung tâm xử lý hàng hóa trên cả nước. Trong năm 2020, Tiki ra mắt thẻ tín dụng đồng thương hiệu với một ngân hàng nội địa. Điều này thể hiện mong muốn và tham vọng không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử.

 Reuters/Darren Whiteside.

Dây chuyền chuyển hàng của Lazada. Ảnh: Reuters/Darren Whiteside.

Thương mại điện tử Đông Nam Á bùng nổ

Nhờ dòng tiền dồi dào từ mảng kinh doanh trò chơi, Sea (công ty mẹ của Shopee) đầu tư mạnh mẽ vào thương mại điện tử và dịch vụ tài chính số. Thống kê cho thấy, doanh thu mảng thương mại điện tử của Sea tăng 2,7 lần trong quý 3 so với cùng kỳ, chạm mốc 618 triệu USD. Cùng thời điểm, lỗ hoạt động mở rộng từ 277 triệu USD thành 338 triệu USD.

Tuy vậy, nỗ lực của Shopee cũng mang lại trái ngọt. Theo báo cáo của iPrice Group, Shopee là sàn thương mại điện tử có lượt truy cập nhiều nhất Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong quý III/2020. Chỉ một năm trước đó, Lazada (của Alibaba) vẫn đứng số 1 ở Philippines, Singapore và Thái Lan, trong khi đó Tokopedia "thống lĩnh" thị trường Indonesia.

Thế đang lên của Sea có thể khiến các đối thủ nóng ruột. Lazada hợp tác với Grab ở Việt Nam, trong khi đó Grab và Gojek thực hiện các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực tài chính số.

Ông Edwin Muljono, một nhà tư vấn đến từ YCP Solidiance, năm 2015, nền kinh tế số ở Đông Nam Á vẫn trong giai đoạn phát triển với nhiều công ty mới xuất hiện, nhu cầu tăng cao và mức độ cạnh tranh thấp.

Lúc này thị trường đạt đến giai đoạn chín. "Tăng trưởng hai con số, thị trường bắt đầu trưởng thành và nhiều thương vụ hợp nhất diễn ra", ông Muljono nói thêm. Mới đây, Gojek đang đàm phán sáp nhập với với Tokopedia. Trước đó, Gojek cũng có thể đã ngồi cùng bàn thảo luận về chung nhà với Grab.

Đông Nam Á đang là nơi sản sinh những startup kỳ lân mới. Bên cạnh Grab và Gojek với định giá lần lượt 14 tỷ USD và 10 tỷ USD, Đông Nam Á là quê hương của 12 startup đạt định giá trên một tỉ USD, theo Google, Temasek Holdings và Bain & Company.

Bức tranh startup Đông Nam Á có thể thay đổi rõ rệt do đại dịch. Mảng gọi xe chịu ảnh hưởng lớn do xu hướng làm việc từ xa. Điều này thể hiện bằng việc Grab và Gojek lần lượt cắt bỏ 5% và 9% nhân sự hồi giữa năm 2020. Cùng lúc, nhu cầu cho thương mại điện tử và giao đồ ăn tăng mạnh và nhiều khả năng sẽ duy trì ngay cả khi Covid-19 chấm dứt.

Tâm lý các nhà đầu tư dịu lại vào thời kỳ đầu của đại dịch. Tổng đầu tư vào startup Đông Nam Á giảm 13% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ, theo Cento Ventures. Hạn chế di chuyển khiến các cuộc họp và thẩm định đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Tháng 11/2020, Lazada hợp tác với Google triển khai nhiều khóa đào tạo trực tuyến cho các nhà bán hàng trực tuyến, tập trung vào cải thiện doanh số bán hàng (đồng thời chính là doanh số của Lazada). Grab và Gojek tìm kiếm cơ hội ở mảng dịch vụ tài chính. Năm 2020, Grab thâu tóm startup quản lí tài sản Bento và đầu tư và công ty thanh toán nhà nước Indonesia LinkAja.

Giống Sea, Grab cũng có giấy phép ngân hàng số ở Singapore thông qua một liên doanh với Singtel. Trong khi đó, Gojek mua 22% cổ phần nhà băng địa phương Bank Jago để cung cấp dịch vụ ngân hàng số trên Gojek.

Các ông lớn nước ngoài tất nhiên cũng không ngồi yên. Amazon.com đang tăng cường hiện diện ở Singapore. Ở mảng giao đồ ăn, Delivery Hero (Đức) cũng mở rộng ở Đông Nam Á qua thương hiệu Foodpanda. Ứng dụng nhắn tin Nhật Bản Line có Line Man, dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất ở Thái Lan.

Thời gian tới, khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, một số startup sẽ nhận thêm đầu tư. Cuối năm ngoái, Gojek "bỏ túi" thêm 150 triệu USD từ Telkomsel, một nhà mạng di động nhà nước. Các công ty niêm yết như Sea thì tận dụng hiệu ứng tích cực trên thị trường chứng khoán.

Thành Dương (theo Nikkei)


Bình luận