Báo cáo mới nhất của công ty sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) công bố ngày 26/7 cho hay các máy bay phản lực thương mại do công ty này giao vào năm 2020 sẽ phát thải trung bình...

Chú thích ảnhMáy bay Boeing 777X trong một chuyến bay thử ngày 21/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo, Boeing cho biết 157 máy bay thương mại được giao vào năm 2020 của họ sẽ "chịu trách nhiệm" về lượng khí thải tương đương với 158 triệu tấn CO2 (MtCO2e) trong cả vòng đời của chúng.

Con số trên bao gồm 136 triệu tấn CO2 phát thải trực tiếp từ hoạt động vận hành các máy bay này của các hãng hàng không, bên cạnh 22 triệu tấn CO2 liên quan đến hoạt động sản xuất nhiên liệu máy bay của các công ty năng lượng cho những chiếc phi cơ đó.

Cũng theo Boeing, mỗi máy bay dự kiến tạo ra lượng khí thải khoảng 866.000 tấn trong suốt vòng đời của nó. Con số này tăng lên 1 triệu tấn khi bao gồm cả việc phát thải liên quan đến sản xuất nhiên liệu.

Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing, ông Dave Calhoun cho biết công ty cam kết giảm đáng kể tác động môi trường của mình trong mọi giai đoạn vòng đời của sản phẩm. Ông Calhoun nhắc lại rằng máy bay phản lực của Boeing sẽ sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững 100% vào năm 2030.

Boeing là công ty mới nhất đưa ra báo cáo phát thải phạm vi 3 về lượng khí thải từ việc các khách hàng sử dụng sản phẩm của họ. Động thái này được đưa ra giữa bối cảnh Boeing chịu nhiều áp lực từ các nhà đầu tư và giới hoạt động vì môi trường phải công bố dữ liệu về việc kiềm chế phát thải của công ty.

Trước đó, nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu đã thực hiện các bước tương tự vào tháng 2/2021. Báo cáo tháng Hai của Airbus cho biết họ đã giao 566 máy bay phản lực vào năm 2020, với tổng lượng khí thải cho vòng đời 22 năm ước tính vào khoảng 440 triệu tấn, bao gồm 80 triệu tấn cho sản xuất nhiên liệu.

Tổng cộng, lượng khí thải CO2 từ số máy bay do hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới giao trong năm 2020 vào khoảng 600 triệu tấn trong vòng đời của chúng. Giới quan sát lưu ý con số này đã giảm do hoạt động giao hàng bị hạn chế trong đại dịch COVID-19.

Cả Boeing và Airbus đều nói rằng ước tính của họ không bao gồm tác động của dự kiến gia tăng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, một yếu tố sẽ cắt giảm lượng khí phát thải hơn nữa.

Các công ty hàng không vũ trụ trên toàn thế giới cho hay họ đang nỗ lực cải thiện công nghệ và thúc đẩy nhiên liệu thay thế để cắt giảm lượng khí thải hàng không vào năm 2050. Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động vì môi trường nhấn mạnh rằng cần phải hạn chế hoạt động đi lại bằng đường không để những nỗ lực chống biến đổi khí hậu đạt có thể được kết quả mong muốn.


Bình luận