Mười năm qua, trên chiếc xe máy 30 tuổi vợ chồng ông Mong Phước Minh đã chở nhau đi khắp mọi miền đất nước, sang cả Lào, Campuchia, Myanmar...

An GiangMười năm qua, trên chiếc xe máy 30 tuổi vợ chồng ông Mong Phước Minh đã chở nhau đi khắp mọi miền đất nước, sang cả Lào, Campuchia, Myanmar...

Trưa ngày đầu năm, trong sân nhà trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Long Xuyên, người đàn ông 73 tuổi hì hụi lắp cái giường sắt tự chế đặt vào băng ghế sau của chiếc ôtô 7 chỗ vừa mua.

"Năm nay, vợ chồng tôi dự định đi lại cung đường 4.000 km từ Long Xuyên lên Sài Gòn, Đà Lạt, Kon Tum, sang Lào, Campuchia rồi về lại An Giang - cung đường của chuyến phượt đầu tiên bằng xe máy cách đây hơn 9 năm", người đàn ông từng làm giảng viên Đại học Cần Thơ nói.

 Diệp Phan.

Vợ chồng ông Minh trong sân nhà ở thành phố Long Xuyên, An Giang chiều đầu năm 2021. Ảnh: Diệp Phan.

Dù đều có "máu vi vu" từ thời trẻ nhưng phải đến năm 2011, cặp vợ chồng mới bắt đầu "đưa nhau đi trốn" bằng một chuyến đi nhớ đời. Ông Minh nhớ lại, năm đó ông cùng nhóm bạn nhiếp ảnh bàn nhau tổ chức một chuyến phượt sang Lào và Campuchia bằng xe máy. Tuy nhiên, đến phút chót mọi người đều bỏ cuộc. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc, 69 tuổi, vợ ông nói: "Không có ai thì hai tụi mình tự đi".

Để khởi động cho chuyến đi "nước ngoài" lần đầu tiên bằng xe máy, ông bà đã thử sức với một vài chuyến đi ngắn ngày. Cuối tháng 3/2012, ông Minh và bà Cúc chính thức lên đường bằng chiếc xe máy Deahan mua từ năm 1990, quần áo, thuốc men và những vật dụng sửa xe. "Bà xã còn cẩn thận mang cả ly nước, bình đun siêu tốc, cà men và nồi cơm điện mini nữa", ông Minh kể.

Đi phượt bằng xe máy vất vả nhưng "phần thưởng" dành cho họ cũng khiến nhiều người khác ghen tị. Khi vượt qua cửa khẩu Bờ Y, Kon Tum để sang Lào, cặp vợ chồng được tận hưởng đoạn đường hơn 120 km từ biên giới đến trung tâm tỉnh Attapeu xuyên qua một cánh rừng già, hai bên đường không có nhà cửa, chỉ có cảnh rừng núi hùng vĩ. "Có những lúc thấy cảnh đẹp, hai người đã cùng thốt lên ‘đã quá’ mà không biết quãng đường còn rất xa", ông Minh hồi tưởng.

 Nhân vật cung cấp.

Hành trang của cặp vợ chồng già trên mỗi chuyến phượt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau thành công của chuyến đi mở màn này, năm sau, ông Minh lại rủ vợ phượt xe máy sang Campuchia, Thái Lan và Myanmar nhưng bà Cúc nói: "Có cách đi nào mới lạ hơn không?" Vậy là ông mua hai chiếc xe đạp gấp mang theo, di chuyển đến thủ đô các nước thì dùng xe đạp "đi vòng vòng" tham quan.

Lúc bấy giờ, muốn từ Thái Lan sang Myanmar phải đi bằng máy bay nhưng ông bà nghĩ ra cách "vượt biên" bằng xe khách giống người dân địa phương. Khi đến cầu biên giới hai nước, họ thuê người mang vác phụ hành lý đi bộ qua cầu. "Thấy bà xã đi trước lỉnh kỉnh đồ đạc, bỗng dưng thấy thương bả ghê", ông Minh cười kể.

"Máu phượt" đã ngấm nhưng phải đến 2015, vợ chồng ông Minh mới có chuyến xuyên Việt đầu tiên bằng xe máy. Chuyến này đỡ vất vả hơn trong việc lên lịch trình và di chuyển bởi họ đã biết dùng Google Map. Chồng lái xe, vợ ngồi sau xem bản đồ và chỉ đường. "Đôi khi bản đồ cũng chỉ sai khiến hai người phải mất thời gian hỏi người dân để quay lại. Đôi khi ổng muốn rẽ nhưng vì bản đồ chỉ đi thẳng nên hai người cãi lộn", bà Cúc kể.

Tháng 9/2015, cặp vợ chồng An Giang lần đầu tiên đặt chân đến cực bắc của Tổ quốc. Anh Nguyễn Hiếu, quê Bình Thuận, người tình cờ gặp vợ chồng ông Minh ở cột mốc Hà Giang năm đó kể: "Hôm đó, tôi và nhiều người cùng chụp hình ở cột mốc rất bất ngờ khi biết vợ chồng cô chú đã đi hơn 20 ngày từ Long Xuyên ra đây trên chiếc xe máy rất cũ".

Thường xuyên cùng nhau "trên từng cây số" nhưng điều vợ chồng ông Minh cảm thấy may mắn nhất là chưa từng xảy ra sự cố gì nghiêm trọng ngoại trừ một vài lần xe bị bể bánh.

Có một kỷ niệm thú vị, năm họ đi xuyên Việt, đến địa phận tỉnh Bắc Ninh thì trời tối, gặp mưa lớn nên vợ chồng ông không có nhiều sự lựa chọn, đành phải nghỉ chân ở một nhà nghỉ nhỏ ven đường.

Lúc vào nhận phòng, hai ông bà thấy có nhiều thanh niên, vẻ mặt "rất khác thường" nên cảm thấy lo lắng. Vừa lên phòng, đang soạn đồ đạc, quần áo, họ bỗng nghe tiếng la hét, chạy rần rần ở bên ngoài. "Chúng tôi nghĩ chắc vào trúng địa điểm tụ họp của mấy người ‘ngáo đá’ rồi. Tưởng tượng cảnh nửa đêm bị cướp nên lo lắm. Vợ chồng bàn nhau vơ hết đồ đi một mạch xuống trả phòng kiếm nơi khác nghỉ", ông Minh kể.

Tuy nhiên, khi đang dắt xe, liếc nhìn vào bên trong thấy mấy thanh niên đang xem bóng đá, đội Việt Nam thắng nên hò hét. Ra đường, ông bà cũng thấy đoàn người đông nghịt, cầm cờ, vỗ tay ăn mừng. "Nghĩ lại thật mắc cười, hai người già này đa nghi quá", bà Cúc nói.

 Nhân vật cung cấp.

Năm 2013, ông bà di chuyển từ Việt Nam sang Campuchia, Thái Lan, Myanmar bằng xe khách rồi dùng xe đạp gấp mang theo để khám phá các địa điểm nổi tiếng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tự tin sau những chuyến xuyên Việt và xuyên Đông Nam Á thành công, năm 2017, cặp vợ chồng quyết định "chơi lớn" bằng chuyến đi bụi bằng tàu hỏa và xe buýt xuyên nước Mỹ, từ bang Georgia đến California. "Có những chặng phải dừng lại hai ba trạm để đổi xe, đổi tài xế, chúng tôi phải bám những người đi cùng mình để đi theo vì sợ nhầm chuyến. Sau chuyến đi đó tôi mới phục tài nghe và nói tiếng Anh của vợ", ông Minh kể.

Những chuyến phượt đầu, bà Cúc thường mang theo rất nhiều quần áo đẹp. Thậm chí là vài đôi giày, cái nón hay khăn quàng cổ để chụp hình. Nhưng càng về sau, bà lại chỉ mang những bộ đồ đơn giản và thiết yếu nhất. Với tinh thần tiết kiệm chi phí, vợ chồng ông Minh ưu tiên chọn những nhà nghỉ rẻ tiền nhưng sạch sẽ, có máy lạnh để nghỉ ngơi, dưỡng sức cho ngày mai.

Sinh ra và gắn bó với miền Tây sông nước, nên dù đi nhiều nơi nhưng có những khi ngồi nghỉ chân cạnh một con sông, vợ chồng ông bà lại thấy nhớ nhà.

"Hồi chưa dùng mạng xã hội, mỗi chuyến ra nước ngoài tôi thường tranh thủ viết email gửi về cho các con. Có khi mải chơi và ham vui quá quên mất các con đang lo. Đọc email của tụi nó trông ngóng mình mà chảy nước mắt. Hai người già này thích đi, nhưng vẫn luôn coi nhà và quê hương là nơi muốn về nhất", ông Minh tâm sự.

Diệp Phan


Bình luận