Dù có thâm niên hàng chục năm, một số quán ăn ở TP.HCM vẫn chưa đăng ký độc quyền nhãn hiệu. Vì sao vậy?

Những tranh cãi xung quanh vụ “Phở Thìn”.

Theo đó mới đây, câu chuyện phở Thìn gây xôn xao trên khắp các diễn đàn mạng xã hội về câu chuyện thương hiệu, nhãn hiệu và nhượng quyền. Vụ việc bắt đầu hồi đầu tháng 2, khi một quán phở lấy tên “Phở Thìn” mở tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) giới thiệu là “truyền nhân” của Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ của cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội đã lên tiếng khẳng định không có chuyện ai đó là “truyền nhân” của ông.

Vì sao một số quán ăn nổi tiếng ở TP.HCM không đăng ký nhãn hiệu độc quyền?  - Ảnh 1.

Tên gọi “Phở Thìn” xuất hiện trong 13 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau.

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Trong khi đó từ trước tới nay, “Phở Thìn” là tên gọi quen thuộc với nhiều thực khách khi nhắc đến phở. 

Theo công bố tại website http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn (thư viện số về sở hữu công nghiệp do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới hỗ trợ và phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng), tính tới ngày 28.2, tên gọi “Phở Thìn” xuất hiện trong 13 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau.

Theo danh sách, trong số các tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký tên gọi “Phở Thìn” có chủ đơn là ông Bùi Chí Đạt (được nhiều người biết tới là chủ sở hữu cửa hàng Phở Thìn Bờ Hồ), ông Nguyễn Trọng Thìn (chủ sở hữu cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội), Công ty Hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội (người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trọng Thìn)... 

Vì sao một số quán ăn nổi tiếng ở TP.HCM không đăng ký nhãn hiệu độc quyền?  - Ảnh 2.

Câu chuyện thương hiệu là chủ đề gây tranh luận trên mạng xã hội những ngày vừa qua.

CAO AN BIÊN

Tuy vậy, theo trang web này hiện nay ở Việt Nam, hiện ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn là đồng chủ sở hữu nhãn hiệu có tên gọi “Phở Thìn” cho nhóm ngành về dịch vụ nhà hàng (cửa hàng phở) và được cấp văn bằng bảo hộ.

Từ lâu, việc những ông bà chủ tạo nên những món ăn ngon, đặc biệt, hình thành các hàng quán nổi tiếng, quen thuộc với nhiều thực khách là điều không mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, thương hiệu nhượng quyền xuất hiện cùng các nền tảng digital đa kênh góp phần vào việc nhận diện thương hiệu với người tiêu dùng thì những câu chuyện "chậm chân" về bản quyền thương hiệu có thể gây nên những hệ lụy ảnh hưởng đáng kể đến kinh doanh. 

Từ đây, nhiều người cho rằng nếu chủ sở hữu có phương án bảo vệ, xử lý xâm phạm ngay từ đầu để được khai thác, sử dụng độc quyền tên gọi “Phở Thìn” thì sẽ không có những tranh cãi chưa rõ thực thư như hiện tại. 

Rõ ràng, câu chuyện thương hiệu đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu của những hàng quán.

Có sợ mất thương hiệu?

Ở TP.HCM hiện nay, không ít hàng quán bán đa dạng các loại món ăn như phở, bún bò, bún mọc, hủ tiếu… dù đã mở cửa nhiều năm, nhận được sự ủng hộ lớn của khách, song vẫn chưa đăng ký độc quyền nhãn hiệu. Theo chủ các hàng quán, việc đăng ký nhãn hiệu có thực sự cần thiết? 

Vì sao một số quán ăn nổi tiếng ở TP.HCM không đăng ký nhãn hiệu độc quyền?  - Ảnh 3.

Quán hủ tiếu mì của bà Liên bán hơn 30 năm qua.

CAO AN BIÊN

Tồn tại hơn 30 năm nay, quán hủ tiếu số 9 của bà Nguyễn Thị Bích Liên (57 tuổi) nằm trên đường Nguyễn Văn Lịch (P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn đều đặn khách ghé ủng hộ. Quán ăn nổi tiếng trên mạng xã hội, được nhiều người dân TP.HCM biết đến với tên gọi “quán hủ tiếu mì đắt nhất Thủ Đức" khi giá mỗi tô dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Thêm vào đó, bà chủ vui tính mỗi ngày đều diện một bộ áo bà ba tiếp khách cũng khiến nhiều người thích thú.

Là một quán ăn có thâm niên, tuy nhiên bà Liên cho biết mình chưa đăng ký độc quyền thương hiệu, cũng bởi nhiều lý do. “Mấy chục năm nay mình vẫn buôn bán như vậy, người ta cũng ít ai gọi là quán hủ tiếu số 9, mà hay gọi là hủ tiếu bà Liên cho gần gũi. Tôi thì không quan tâm việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu vì mình buôn bán nhỏ, cũng chưa có ý định mở rộng kinh doanh nên cũng chưa thấy quá cần thiết", bà chủ tâm sự.

Vì sao một số quán ăn nổi tiếng ở TP.HCM không đăng ký nhãn hiệu độc quyền?  - Ảnh 4.

Vì sao một số quán ăn nổi tiếng ở TP.HCM không đăng ký nhãn hiệu độc quyền?  - Ảnh 5.

Tô hủ tiếu nổi tiếng ở quán bà Liên.

CAO AN BIÊN

Dù rằng không ít lần mà cũng gặp cảnh tréo ngoe khi xung quanh khu vực Thủ Đức cũng có nhiều quán hủ tiếu “bà Liên" khác mọc lên khiến khách thắc mắc, nhầm lẫn. Tuy nhiên bà chủ tâm sự rằng điều bà quan trọng hơn cả chính là cách nấu ăn sao cho ngon, sao cho chỉn chu để phục vụ khách, vì khách ở đây chủ yếu là khách “ruột" suốt nhiều năm qua, cũng đã quá quen về quán hủ tiếu của bà. 

“Cái quan trọng chính là thương hiệu ở trong lòng khách. Tôi nghĩ tới một thời điểm nào đó cần thiết thì mình đăng ký độc quyền thương hiệu", bà chủ chia sẻ.

Trong khi đó, quán bún mọc của bà Phạm Thị Châu (68 tuổi), có thâm niên hàng chục năm trên đường Phạm Thế Hiển (P.6, Q.8) cũng cho biết bà “không rành" việc đăng ký độc quyền thương hiệu cho quán ăn của mình.

Vì sao một số quán ăn nổi tiếng ở TP.HCM không đăng ký nhãn hiệu độc quyền?  - Ảnh 6.

Bà Châu "không rành" việc đăng ký độc quyền thương hiệu vì những năm qua bà buôn bán "vẫn vậy".

CAO AN BIÊN

“Mỗi đêm, tôi bán bún từ 11 giờ tối cho tới 7 giờ sáng rồi đi ngủ, nhiều năm qua vẫn vậy. Tôi lo bán thôi chứ cũng không biết phải đăng ký thương hiệu như thế nào. Hỏi có sợ người ta nhái thương hiệu, tên quán của mình không thì cũng có sợ, nhưng mà tôi nghĩ khách ở đây toàn khách quen, mà bún tôi nấu cũng có công thức riêng không giống với ở đâu nên người ta không nhầm lẫn được”, cụ bà nói thêm.

Theo lời bà Châu, dù nhiều lần có người muốn “nhượng quyền" thương hiệu bún của bà để bán ở những chỗ khác, tuy nhiên bà không đồng ý vì sợ phiền phức về sau. Thêm vào đó, bà chủ cũng hạnh phúc với quán ăn nhỏ và những vị khách quen thuộc của mình. Bà cũng cho biết thời gian tới, nếu có điều kiện thì có thể nhờ người thân, con cháu trong nhà đăng ký thương hiệu cho mình để tránh gặp các rắc rối về thương hiệu.


Bình luận