Không phải ai cũng biết nhờ quán canh bún này, một mình bà Mến (chủ quán đầu tiên, nay đã mất) nuôi 8 người con khôn lớn, trưởng thành. Nay, các con lại tiếp nối nghiệp, kế thừa và phát triển quán ăn mang tình yêu của mẹ.
Thầy giáo dạy toán bỏ nghề, kế thừa “gia sản" của mẹ
Len theo con hẻm 115 đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận) nhỏ hẹp, chung quanh rợp bóng mát của những tán cây, tôi tìm đến quán canh bún của gia đình ông Phan Duy Tân (43 tuổi) nằm bình yên dọc đường tàu.
[CLIP]: Quán canh bún 3 thập kỷ của mẹ ở TP.HCM được 8 chị em kế thừa.
10 giờ, quán bắt đầu mở cửa đón khách. Gần chục nhân viên bên trong thì vẫn tất bật chuẩn bị, mỗi người một việc. Quán ăn và cũng là căn nhà của gia đình ông Tân, mở bán chưa được bao lâu thì khác ngồi kín chục cái bàn bên trong, chủ quán cùng nhân viên làm “không kịp thở" để chuẩn bị món cho khách.
Hồi cha mất, mẹ tôi phải chọn một cái nghề để nuôi các anh chị em tôi và bà đã chọn bán món này. Nhờ có quán ăn này mới có anh chị em chúng tôi ngày hôm nay và mẹ cứ ở vậy mà sống với các anh em, không đi thêm bước nào nữa!
Anh Phan Duy Tân, Chủ quán
Tâm sự với tôi, anh Tân cho biết quán ăn được mẹ anh, bà Mến mở năm 1989 để có tiền nuôi 8 người con khi ba của anh vừa qua đời. Trước đó, bà từng bán món này chừng 3 - 4 năm hồi còn sống ở Đồng Nai.
Quán nổi tiếng với phần rau nhút tươi non.
CAO AN BIÊN
Thời đầu, bà gánh bán dạo khắp xung quanh khu vực Phú Nhuận này, sau đó vài năm thì chủ yếu bán ở gần chợ Trần Hữu Trang. Năm 1998, bà Mến chuyển về nhà bán và quán “yên vị" ở đây cho tới ngày nay.
“Hồi cha mất, mẹ tôi phải chọn một cái nghề để nuôi các anh chị em tôi và bà đã chọn bán món này. Nhờ có quán ăn này mới có anh chị em chúng tôi ngày hôm nay và mẹ cứ ở vậy mà sống với các anh em, không đi thêm bước nào nữa", anh xúc động nhớ về người mẹ quá cố.
Ông Kiệm (50 tuổi, con thứ) cùng em trai bán quán, kế thừa quán ăn của mẹ.
MINH NHẬT
Đó cũng là lý do mà năm 2009, khi được mẹ giao lại cho quán bún để kế thừa, anh đã quyết định đặt tên bán bún này là “Mẹ Tôi" như một sự nhắc nhớ của anh và các anh chị em trong nhà về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ cũng như nhắc con cháu sau này biết rằng chính cha mẹ, cô chú, cậu dì… đã được khôn lớn, trưởng thành nhờ quán ăn của bà.
Nói về danh hiệu “quán canh bún có nhiều tên gọi nhất TP.HCM", anh chủ cười hiền, giải thích sở dĩ khách gọi tên quán là “canh bún đường tàu" vì phía trước quán là một đường tàu, nếu đúng thời điểm thì khách có thể quan sát được những đoàn tàu đi qua mỗi ngày.
Món ăn với sự phối hợp của nhiều nguyên liệu.
CAO AN BIÊN
Còn “canh bún trên lầu" là vì hồi xưa quán bán ở trên lầu, khách muốn ăn phải đi thang bộ lên lên. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều khách quen của quán ăn ở đây mấy chục năm cũng đã có tuổi, việc đi lên đi xuống gặp không ít bất tiện nên gia đình anh đã chuyển xuống bán ở tầng trệt.
“Hồi đó mẹ ngỏ ý muốn truyền lại quán canh bún này cho tôi, vì tôi là con út trong nhà. Tôi lúc đó đang làm giáo viên dạy toán tại một trường THCS ở Phú Nhuận ổn định nên hết sức đắn đo. Cuối cùng, tôi không nở để người ta lãng quên quán ăn mà suốt đời mẹ gây dựng nên đã kế thừa, phát triển nó đến ngày hôm nay”, nói về quyết định ngày đó, anh chủ chưa bao giờ hối hận.
Mẹ sống mãi trong lòng các con
Thời điểm hiện tại, anh Tân nói rằng trong số 8 người con thì cả 8 người đều sống bằng cái nghề của mẹ. Trong đó, quán ăn này do anh, ông Kiệm (50 tuổi, con thứ) và một người chị thứ cùng bán. Tuy nhiên, người chị này đã mất cách đây không lâu.
Còn lại, những anh chị của ông Tân đều cũng đang sống với những quán canh bún nhỏ hơn, chủ yếu bán cho hàng xóm, người quen ở nhiều khu vực khác nhau của TP.HCM. Đó là lý do mà dù mẹ đã mất cách đây 5 năm, nhưng anh thì vẫn luôn cảm thấy mẹ hiện diện, đồng hành và giúp đỡ cho cuộc sống các con ổn định.
Mỗi phần canh bún trong quán ăn này dao động từ 27.000 - hơn 40.000 đồng tùy nhu cầu của khách. Vì quán nấu theo kiểu của người Bắc nên nước lèo khá thanh, dẫu vậy vẫn rất vừa miệng.
Hồi đó mẹ ngỏ ý muốn truyền lại quán canh bún này cho tôi, vì tôi là con út trong nhà. Tôi lúc đó đang làm giáo viên dạy toán tại một trường THCS ở Phú Nhuận ổn định nên hết sức đắn đo. Cuối cùng, tôi không nở để người ta lãng quên quán ăn mà suốt đời mẹ gây dựng nên đã kế thừa, phát triển nó đến ngày hôm nay!
Anh Phan Duy Tân, Chủ quán
Chị Vũ Phương Thanh (42 tuổi, vợ anh Tân) cho biết từ hồi về làm dâu ở đây năm 2005, chị đã phụ gia đình chồng bán quán ăn này cho tới bây giờ. Điều chị tự hào nhất trong tô canh bún của gia đình chồng chính là sự phối hợp hài hòa và độ tươi ngon của từng nguyên liệu. “Khách thích nhất là rau nhút, nhiều người ăn canh bún cũng kêu kèm thêm một tô rau nhút ăn cho đã”, chị nói thêm.
Anh chủ tự hào bên cạnh công thức mẹ truyền lại, nguyên liệu tươi ngon là điều làm nên sự khác biệt cho tô canh bún ở quán mình.
CAO AN BIÊN
Là “tín đồ" của rau nhút, tôi gọi một tô canh bún cùng một chén rau nhút thêm để ăn. Đã từng ăn ở đây nhiều lần, tôi thấy thích nhất phần nước lèo hợp khẩu vị và phần chả cua đồng. Tất nhiên không thể thiếu là phần rau nhút non mơn mởn mà tôi không hiểu quán nhập ở đâu để có được loại rau tươi ngon như vậy.
Là khách ăn ở đây mấy chục năm nay, bà Thanh (57 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết bà thích cái vị canh bún của quán, giống như là “bỏ bùa" vậy. Hầu như tuần nào bà cũng ghé ăn 2 - 3 ngày, có khi hơn vì nhà cách đây cũng không xa.
“Tôi ăn từ hồi bà chủ còn bán cho tới giờ. Ăn nhiều chỗ rồi nhưng ở đây là tôi thấy ưng nhất. Tôi mê ăn rau nhút lắm, rau ở đây non và ngon, phục vụ cũng nhanh", vị khách nhận xét.
Anh Tân và các thành viên trong gia đình cho biết quán ăn giờ không chỉ là tâm huyết của mẹ, mà còn là của anh và tất cả mọi người. Anh sẽ cố gắng duy trì, phát huy quán ăn hơn nữa, bán đến khi nào không còn sức thì thôi và hy vọng trong tương lai, sẽ có một thế hệ thứ 3 kế thừa quán ăn mang tình yêu của mẹ…