Tháng 6, khi số ca Covid-19 ở Bắc Giang vượt 5.000, Thân Trọng An lo lắng không thể dự thi tốt nghiệp THPT cùng thí sinh cả nước.

Thứ hai, 26/7/2021, 16:51 (GMT+7)

Tháng 6, khi số ca Covid-19 ở Bắc Giang vượt 5.000, Thân Trọng An lo lắng không thể dự thi tốt nghiệp THPT cùng thí sinh cả nước.

7h sáng thức dậy, Trọng An, trường THPT Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, vào mạng và bất ngờ khi biết mình là thủ khoa khối A01, với Anh 10 điểm, Toán 9,8 và Vật lý 9,75. "Em đã lặng đi một lát vì kết quả vượt ngoài mong đợi", An nói. Sau vài phút hồi hộp, An báo cho mẹ, bố và anh trai. Cả nhà hạnh phúc và chúc mừng thành quả An đạt được.

 NVCC.

Thân Trọng An mơ ước trở thành một lập trình viên trong tương lai. Ảnh: NVCC.

An đánh giá đề tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ hơn mọi năm, thí sinh có thể giành điểm 9, 10 nếu hiểu hết đề và làm cẩn thận. Đề Toán hay và có tính phân loạt học sinh cao, nhất là từ câu 41 trở đi. Sau khi dễ dàng hoàn thành 40 câu đầu, An khá vất vả để làm 10 câu còn lại. Không đủ thời gian làm ba câu cuối theo phương pháp của mình, An phải sử dụng cách loại trừ.

Đề Vật lý An đánh giá dài và khó hơn mọi năm, buộc học sinh phải tập trung, chú ý tốc độ làm bài. Nam sinh gặp khó ở hai câu cuối nhưng may mắn điền đúng đáp án.

Kết quả thi thực sự có ý nghĩa với An, nhất là trong bối cảnh Bắc Giang trở thành tâm dịch Covid-19, nhiều huyện thị phải cách ly xã hội. Nam sinh từng sợ không thể thi tốt nghiệp THPT khi số ca nhiễm trên địa bàn vượt 5.000, nhiều bạn lớp 12 phải đi cách ly tập trung.

Đến khi tình hình dịch được kiểm soát, thầy cô luôn sát cánh, An bình tĩnh và yên tâm ôn tập. Em học online từ thứ hai đến thứ bảy, sáng 4 tiết, chiều 3 tiết, mỗi tiết 45 phút. Dù ít được tương tác với các bạn và giáo viên, An đánh giá cách học online giúp em ít phân tâm, làm được nhiều bài tập và tiến bộ bất ngờ.

Cả ngày ngồi học với máy tính, An dành thời gian buổi tối ôn bài và không học quá khuya. Để hiệu quả, An vạch ra lộ trình học, sắp xếp và phân bổ thời gian hợp lý cho các môn. Cách học này giúp em nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa trước, sau đó mới học nâng cao rồi luyện đề.

An yêu thích môn Vật lý và dành 4 tiếng mỗi ngày để luyện đề, học lý thuyết và xem video hướng dẫn cách giải, phương pháp học hay của giáo viên dạy trên mạng. Sở trường ở môn Vật lý nhưng suốt ba năm cấp ba, An đầu tư nhiều cho môn tiếng Anh vì nhận thấy cần thiết cho cuộc sống sau này. Em từng giành giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 12.

Có nền tảng tiếng Anh, An không mất quá nhiều thời gian vào môn này. Em lên mạng đọc báo để củng cố và kiểm tra vốn từ vựng. Nhờ đó, hôm thi tiếng Anh, An tự tin, hiểu được toàn bộ đề thi và dễ dàng giành điểm tuyệt đối.

 NVCC.

An và cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Xuân trong buổi chụp ảnh kỷ yếu ở trường. Ảnh: NVCC.

An không đi học thêm bên ngoài mà tự học và theo dõi các thầy cô giáo dạy online. Sau những giờ học căng thẳng, chàng trai giải trí bằng cách chơi cầu lông. Trong ba nguyện vọng đăng ký, An mong muốn trở thành sinh viên của Đại học FPT và mơ ước trở thành lập trình viên trong tương lai.

Cô Nguyễn Thị Xuân, giáo viên chủ nhiệm An ba năm trung học, cảm thấy "bõ công" cho những ngày tháng học trò miệt mài ôn luyện. Trước đó, cô trò đã dự đoán được điểm nhưng "không dám mơ" trở thành thủ khoa quốc gia.

Cô Xuân cho biết, An từng là thủ khoa vào lớp 10 của trường, rất thông minh, tự giác học. Lực học nổi trội trong lớp và trường nên trong quá trình dạy, cô Xuân và các giáo viên khác luôn chú ý, thiết kế chương trình để tương thích với khả năng của An. Với An, thầy cô luôn phải dạy tối đa, hết các vấn đề.

"Khi được thầy cô giao thêm bài tập, An học say sưa. Nhiều hôm đã khuya, tôi vẫn thấy An trao đổi bài. Kết quả con đạt được hôm nay hoàn toàn xứng đáng", cô Xuân nói.

Bình Minh


Bình luận