Thứ ba, 27/7/2021, 18:11 (GMT+7)
Khánh HòaCặp song sinh Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo, học sinh trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang, lần lượt đạt 29; 29,25 điểm khối C thi tốt nghiệp.
Với 9,25 điểm môn Ngữ văn, 10 điểm Địa lý và Lịch sử, Quốc Bảo là đồng thủ khoa khối C toàn quốc cùng với nữ sinh Đinh Thị Kim Ngân (trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An). Anh trai Hữu Bảo được 9,25 điểm Văn, 9,75 Địa lý và 10 Lịch sử, á khoa khối C toàn quốc.
Từ hôm qua tới nay, hai anh em nhận được nhiều lời chúc mừng từ thầy cô, bạn học. "Em cùng anh trai xem điểm nhiều lần mới tin đó là sự thật. Chúng em làm bài thi khá tròn trịa song không nghĩ điểm cao thế", Quốc Bảo nói.
Quốc Bảo đánh giá, đề Địa lý thi tốt nghiệp THPT khó nhất, khi làm bài phải cẩn thận trong sử dụng Atlat, bản đồ mới có thể đạt điểm tối đa. Phần tính toán đòi hỏi vận dụng kiến thức đã học, cùng với suy luận.
Đối với Ngữ văn, Quốc Bảo nhận xét đề thi hay, song để làm được thì phải đọc sách nhiều, tích lũy kiến thức phong phú mới có nhiều cảm xúc làm bài. Chẳng hạn, câu nghị luận xã hội, quá trình làm bài đòi hỏi người viết phải có những cảm nhận riêng, quan sát cuộc sống, từ đó mới có được cảm thụ tốt.
Trong ba môn khối C, Quốc Bảo đánh giá Lịch sử dễ hơn cả. Thí sinh nắm thật kỹ các mốc thời gian của sự kiện, biết sử dụng phương pháp loại trừ sẽ làm được bài. "Vào phòng thi, em dành thời gian đọc hết đề thật kỹ, sau đó làm từng bước, không hấp tấp, tránh sai sót", thủ khoa khối C nói.
Chia sẻ về cách học, nam sinh cho hay ở trên lớp các em tập trung nghe thầy cô giảng bài, ghi chép đầy đủ, về nhà thì đọc lại thêm đôi lần để nhớ, và thường xuyên xem thời sự, đọc sách.
Cả hai vạch ra lộ trình học, sắp xếp và phân bổ thời gian cho các môn học để giúp nắm chắc kiến thức cơ bản và rèn những dạng bài nâng cao. Mỗi sáng, anh em dành ra hơn 4 giờ để học Văn, 2 giờ tập trung cho môn Toán và tiếng Anh, chiều thì học Địa lý, Lịch sử.
Những phần nào không hiểu, anh em trao đổi tìm cách giải quyết. Gặp những bài khó không thể xử lý được, cả hai lại nhờ giáo viên hướng dẫn. Cứ thế, anh em Bảo vun đắp kiến thức cho nhau tới gần kỳ thi. Mỗi lần mệt mỏi, không học được nữa, cả hai thư giãn bằng cách xem phim.
Ngoài các môn khối C, hai anh em chăm chỉ học đều các môn. Quốc Bảo đạt 8 điểm Toán, 8,2 tiếng Anh; Hữu Bảo đạt 7,6 Toán, 8,2 tiếng Anh. Với số điểm đạt được, Quốc Bảo có nguyện vọng vào Đại học Kiểm sát Hà Nội, còn Hữu Bảo muốn vào Đại học Luật TP HCM.
Chia sẻ về thành tích hai con, đại úy Bùi Phú Nghĩa, công tác tại Đồn biên phòng Vĩnh Lương, cho hay vợ làm nhân viên y tế, cả hai thường xuyên đi vắng. Hai con ở nhà tự chăm sóc nhau, lên kế hoạch học tập và tới trường bằng xe bus.
Gần tới ngày các con thi tốt nghiệp THPT, vợ chồng anh Nghĩa phải ở lại đơn vị, các con tự đi thi. "Vợ chồng lúc ấy chỉ biết trò chuyện với con qua điện thoại, rồi chờ hết giờ thi thì gọi động viên, mong cả hai bình tĩnh làm bài để có kết quả tốt", người cha nói.
Theo anh Nghĩa, từ bé các con đã ý thức được việc học nên không cần nhắc nhở. Vợ chồng anh chỉ đưa ra ý kiến, định hướng những việc cần làm, hay gặp vấn đề về cuộc sống. Còn việc chọn trường, nghề nghiệp, các con tự quyết định theo đam mê của mình, cha mẹ chỉ âm thầm theo dõi, giúp đỡ khi cần.
Là giáo viên chủ nhiệm cũng là người trực tiếp dạy môn Địa lý của hai nam sinh này suốt ba năm liền, cô Hồ Thị Thu Thủy cho biết, từ khi hay tin hai học trò đạt điểm cao khối C đã rất mừng, song không mấy bất ngờ. Ở lớp anh em Bảo rất ngoan, chịu khó và luôn có học lực giỏi. Cả hai cũng tham gian nhiều hoạt động của trường, lớp, được các bạn quý mến.
"Ngoài khả năng tư duy, hai em có kiến thức xã hội rất tốt và xử lý các bài tập một cách tròn trịa, được nhiều giáo viên đánh giá cao", cô Thủy nhận xét.
Xuân Ngọc