Tôi là tác giả bài: "Từng bị gia đình ruồng bỏ vì không còn trong trắng". Tôi đã gửi link cho ba mẹ đọc. Xin cảm ơn các bạn đã chia sẻ.

Thứ năm, 22/7/2021, 11:31 (GMT+7)

Tôi là tác giả bài: "Từng bị gia đình ruồng bỏ vì không còn trong trắng". Tôi đã gửi link cho ba mẹ đọc. Xin cảm ơn các bạn đã chia sẻ.

Tôi vừa viết vừa video call cho ba mẹ ở Việt Nam, nói cách khác ba mẹ cũng tham gia bài viết này, xin được chia sẻ thêm:

Có lẽ từ "ruồng bỏ" làm nhiều bạn hiểu lầm, từ đó được ba mẹ tôi dùng. Ba mẹ có quan niệm truyền thống, đối với họ việc cho con gái ở nước ngoài một mình từ tuổi 19 (chưa kể đến tệ nạn xã hội như bị lừa gạt, bắt cóc...), không tâm sự nhiều và không chu cấp nhiều là ruồng bỏ (chính họ nói điều này).

Tôi không cay cú bậc sinh thành, có lẽ nên viết thêm: Nhờ công lao của ba mẹ mà tôi được học trường quốc tế và có thể đi du học. Vấn đề tôi muốn tập trung chia sẻ chính là thời gian buồn vì từng bị gia đình ruồng bỏ sau chuyện không còn trong trắng. Tôi thà bị ba mẹ la mắng, đánh đập còn hơn bị xa lánh, họ gần như không muốn nói chuyện với tôi. Tôi từng làm chuyện dại dột bất thành, thay vì tiếp tục làm điều đó tôi đã quyết định đến Australia. Trong khoảnh khắc cô đơn nhất, yếu tố quan trọng giúp tôi vươn lên chính là sự tôn trọng dành cho bản thân. Tôi tin rằng mình là người hữu ích, tương lai sẽ thành công trong công việc và việc kết nối lại với gia đình mình. Tôi đã làm được điều đó. Hiện tại, biện pháp chống dịch mạnh của Australia không cho phép ba mẹ tới với tôi, vì thế tôi không nhắc đến họ ở thì hiện tại trong bài trước. Sau này, ba mẹ sẽ qua đây thăm tôi. Tất nhiên, đến thời điểm đó tôi sẽ được kề bên những người ruột thịt.

Ba mẹ đã nhận ra sai lầm vì từng ruồng bỏ tôi. Mẹ nói lại về việc mẹ của bạn trai cũ người Việt đã sai khi đến nhà chỉ trích tôi trong khi cả hai đồng ý vượt rào (đều trên 18 tuổi). Nếu có thể quay lại ngày đó, mẹ sẽ chỉ trích lại bà mẹ kia rồi dạy dỗ lại tôi thay vì ruồng bỏ. Tới đây, tôi mong các bạn hiểu ba mẹ tôi vẫn mang quan điểm truyền thống, trong khi tôi có quan điểm phóng khoáng, có điều chúng tôi tôn trọng quan điểm của nhau.

Có lẽ khái niệm dễ dãi của tôi khác với nhiều độc giả. Đối với tôi, trong mối quan hệ yêu đương nam nữ, cả hai đồng ý vượt rào là được, với lại phải luôn dùng biện pháp an toàn.

Tôi chia sẻ về cuộc sống hiện tại không phải là đắc ý hay khoe khoang, chỉ mong muốn bạn nào từng trải nghiệm như tôi hiểu rằng thế giới có người này người kia với nhiều quan điểm khác nhau. Bạn nên chọn chỗ nào cảm thấy thích hợp nhất để có thể phát huy bản thân. Với tôi, đó là nước Australia, mà cũng có thể với bạn đó là Việt Nam hay bất kỳ nước nào. Tất nhiên, tôi cũng không có quyền chỉ trích cuộc sống riêng của bạn, hay nơi bạn cho là đáng sống nhất.

Không liên quan đến vấn đề trong bài trước nhưng vài bạn thắc mắc về thu nhập và công việc của tôi. Tôi học cử nhân và thạc sĩ trong 6 năm (nhanh hơn các bạn trong khoá vì học suốt). Tôi từng làm cho một công ty trụ sở tại Mỹ, chi nhánh Australia. Hiện tại tôi có công ty nhỏ chuyên về phần mềm, với lại là công dân Australia nên thu nhập tôi khá cao (350 AUD mỗi giờ, tương đương gần 6 triệu). Thu nhập này chưa trừ tiền điện nước, thuế... (các dịch vụ ở đây rất đắt đỏ). Ở Việt Nam ba mẹ cũng quen vài người lương cao hơn tôi, trong khi thuế và các dịch vụ khác thấp hơn nơi tôi sống rất nhiều.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi. Xin lỗi vì viết thiếu ý trong bài trước nhưng những bình luận của các bạn đã giúp tôi mở mang kiến thức rất nhiều.

Hằng

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc


Bình luận