Ở Tây Ninh, ngoài món bánh tráng phơi sương nổi tiếng ở Trảng Bàng thì những món bánh tráng khác ở KP.Rạch Sơn, thuộc TT.Gò Dầu (H.Gò Dầu) cũng trứ danh không kém.
Nghề làm bánh tráng truyền thống ở lò dì Út, thuộc KP.Rạch Sơn, TT.Gò Dầu, H.Gò Dầu (Tây Ninh) |
GIANG PHƯƠNG |
Hầu hết người tiêu dùng đều biết đến hàng loạt những món ăn vặt được chế biến từ bánh tráng như món bánh tráng cuốn trứng hoặc trộn muối ớt, bánh tráng tỏi, bánh tráng hành, bánh tráng me... Đó là chưa kể hàng loạt những loại bánh khác qua sự sáng tạo khéo léo của người dân vùng bánh tráng ở Tây Ninh. Chính vì thế, Gò Dầu trở thành điểm dừng của du khách khi đến hoặc trên đường rời khỏi Tây Ninh.
Lò bánh tráng truyền thống đỏ lửa suốt hơn 20 năm |
GIANG PHƯƠNG |
Người thợ phải có tính chịu khó, khéo léo
Hơn chục năm sống với nghề chế biến món bánh tráng, gia đình bà Nguyễn Thị Chính (70 tuổi, ở TT.Gò Dầu, H.Gò Dầu) đã làm ra hàng chục loại bánh tráng khác nhau để bán.
Bà Chính cho biết, cái bánh tráng đa dạng ở chỗ có thể nhúng nước làm mềm rồi cuốn với rau ăn với thịt luộc mắm chua, cũng có thể quấn tròn lại cùng với hành phi, trứng hoặc ướp với chút muối ớt Trảng Bàng, hoặc mắm me bỏ bịch…
Cũng theo bà Chính, cái nghề làm bánh tráng ở Tây Ninh rất đa dạng. Nếu như ở KP.Lộc Du (TX.Trảng Bàng) nổi tiếng với những lò tráng bánh phơi sương còn những vùng khác ở Tây Ninh lại nổi tiếng với những sản phẩm từ những chiếc bánh tráng này. Chính sự sáng tạo này đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực độc đáo rất riêng ở đây.
Để tráng được một chiếc bánh tráng mỏng, đều đòi hỏi người thợ phải có tính chịu khó, khéo léo |
GIANG PHƯƠNG |
Đã nhắc tới những lò bánh tráng truyền thống ở H.Gò Dầu, chắc hẳn không thể nhắc đến lò bánh tráng dì Út ở KP.Rạch Sơn (TT.Gò Dầu). Bởi, từ suốt hơn 20 năm qua, những lò bánh tráng ở đây vẫn đỏ lửa và đưa cái bánh tráng ngon nức tiếng Rạch Sơn đi khắp các tỉnh thành cả nước.
Lò tráng bánh dì Út nằm gọn giữa cánh đồng rộng lớn, bao quanh là những con rạch mát dịu ở KP.Rạch Sơn. Mỗi chị, mỗi cô ngồi tráng một lò, tính ra hơn chục. Tất cả đều tất bật với công việc tráng bánh. Riêng đàn ông thì giữ công đoạn mang bánh tráng trên vỉ đi phơi nắng.
Công việc của người tráng bánh thường bắt đầu từ khoảng 3 giờ sáng đến 10 giờ trưa. Thời điểm này thời tiết mát dịu sẽ giúp làm giảm bớt phần nào cái hơi nóng hừng hực của lửa than, của xửng hấp. |
GIANG PHƯƠNG |
Để tráng được một chiếc bánh tráng mỏng, đều đòi hỏi người thợ phải có tính chịu khó, khéo léo. Thế nên, chủ yếu người tráng bánh đều là các chị em phụ nữ ở trong vùng. Mỗi chiếc bánh được tráng ra, mỗi người thợ tráng đều phải tập trung cao độ từ đôi mắt lẫn đôi tay. Bột vừa tráng xuống xửng, khoảng 1 phút sẽ được lấy ra.
Đáng nể hơn khi tay trái của người thợ vừa lấy bánh ra thì tay phải đã cầm gáo bột tráng tiếp cái bánh mới. Xửng hấp được đậy nắp, người tráng bánh lại quay sang tráng chiếc bánh nóng hổi vừa mang ra lên vỉ tre… Cứ thế, lần lượt hàng ngàn chiếc bánh mỗi ngày của người thợ được hoàn thành thêm một công đoạn.
Bánh tráng được tráng lên vỉ và đem đi phơi nắng |
GIANG PHƯƠNG |
Nghề cực nhọc, thu nhập bấp bênh
Nói về bí quyết tạo nên chiếc bánh tráng nức tiếng ở Tây Ninh, bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ TT.Gò Dầu) hồ hởi: “Để chiếc bánh mỏng, đều trong lúc tráng bánh bàn tay của thợ phải trải bột sao cho nhẹ nhàng nhưng thật dứt khoát, chén tráng bắt buộc phải láng để cái bánh đều mà không bị rách. Bột tráng ngoài chọn được loại gạo ngon, xay đều còn phải pha với chút muối để bánh tráng có vị dai và khi tráng bánh mới nổi đều”.
Công việc phơi bánh tráng dưới trời nắng gắt nên chủ yếu là đàn ông làm |
GIANG PHƯƠNG |
Thế nhưng, theo bà Hồng, cái nghề làm bánh tráng vốn đã không đơn giản. Thật sự chỉ có những người thật sự yêu nghề mới làm được. Bởi chẳng những, đây là cái nghề cực nhọc mà còn có thu nhập bấp bênh bởi phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Bởi, ai làm cái nghề tráng bánh thì đều trăn trở bởi khi trời mưa không thể tráng được. Do vậy mà thu nhập gia đình cũng bấp bênh theo. Nhiều người còn bám trụ bởi đây là nghề truyền thống từ nhiều thế hệ vốn đã không còn nhiều.
Nghề làm bánh tráng không thể làm được khi trời mưa |
GIANG PHƯƠNG |
Khi số bánh tráng Tây Ninh đã được tráng lên vỉ tre nhiều, những người đàn ông sẽ mang bánh ra ngoài sân phơi nắng. Bánh khi khô sẽ được gỡ ra khỏi vỉ, cắt rìa bánh, bỏ bọc trước khi mang đến bàn ăn.