“Sao nửa tháng nay chị đi đâu biệt tăm? Nay thấy bán lại mừng ghê!”, cứ 10 khách đến mua, thì cả 10 đều mừng rỡ hỏi thăm khi thấy ông bà chủ bán lại. Nghe những lời chân...

Đó là quán bánh canh của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (57 tuổi) và ông Lê Nam (61 tuổi), nằm nép mình ở một góc nhỏ gần cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Không phải ai cũng biết, đôi vợ chồng người Huế đã bán ở đây hơn 20 năm và rất được lòng thực khách.

Nghỉ bán là khách nhớ

Sáng sáng, tầm 6 giờ, trời còn se lạnh, tôi có mặt ở quán bánh canh của bà Hương. Giờ này, 2 vợ chồng bà đón từng lượt khách đầu tiên đều đặn đến cũng như chăm chút lại quán ăn của mình. Bởi chừng 7 giờ hơn là lúc cao điểm khách đến.

6 giờ sáng, quán ăn của bà Hương bắt đầu mở bán

cao an biên

Quán ăn nhỏ xíu xiu, chỉ vỏn vẹn chừng 2 - 3 cái bàn và vài cái ghế nhựa, nằm gọn lỏn ở một góc Thanh Đa. Trong không khí mát mẻ của Sài Gòn buổi sớm mai, mùi thơm bánh canh bốc lên nghi ngút.

“Cô ơi cho con tô bánh canh!”, tôi ngồi xuống ghế rồi nói với bà chủ. Vừa nghe, bà chủ khuấy nồi bánh canh to nóng hôi hổi được đun trên bếp than hồng, múc ra một phần vừa đủ. Nhìn sợi bánh canh, tôi biết ngay là được làm thủ công bởi các sợi ngắn dài không mấy đều nhau, thêm phần nước dùng sền sệt nhìn thôi đã “chảy nước miếng”.

Trong tô bánh canh đã có sẵn thịt viên, bà chủ bỏ thêm một phần chả da, chả lụa cùng hành, ngò, tiêu, ớt để hương vị thêm đậm đà. Vậy là chưa đầy 2 phút, tô bánh nóng hổi đã được đặt trước mặt tôi, không quá lớn nhưng đủ căng bụng cho một bữa sáng. Giá mỗi tô như vậy là 25.000 đồng.

Vợ chồng bà bán bánh canh hơn 20 năm nay
cao an biên
Mỗi tô bánh giá 25.000 đồng
cao an biên

Tôi thong thả thưởng thức phần ăn của mình, trong lúc ông bà chủ tất bật chuẩn bị phần ăn cho khách khi người đến ăn tại chỗ, đến mua mang về ngày một đông. Điều lạ là ai đến mua, cũng đều hỏi ông bà chủ: “Trời! Nay thấy anh chị bán lại rồi mừng ghê. Mấy tháng nay đi đâu vậy, về quê xây nhà hả?”.

Bà Hương cũng cười hiền, đáp lại, nói 2 tuần qua ông bà về lại Huế thăm gia đình, nay mới trở lại Sài Gòn bán. Suốt thời gian họ chuẩn bị bánh canh, giữa khách và chủ liên tục trò chuyện, hỏi thăm nhau khiến tôi có cảm giác, hàng ăn này như đã thân thuộc từ rất lâu đối với biết bao thực khách.

“Vậy đó, hễ mình nghỉ bán ít bữa, là khách nhớ, khách nhắn tin hối bán lại. Là người buôn bán, mình vui và hạnh phúc khi người ta nhớ tới mình. Nhiều người nói ăn ở quán của tôi quen rồi, giờ vắng một vài bữa là thèm. Chính tình cảm của khách, cũng là động lực để mình bán hết lòng hết dạ”, bà Hương tâm sự.

Nồi nước dùng đậm đà, được đun và giữ ấm liên tục
cao an biên
Chả được gửi từ Huế vào
cao an biên

“Tôi thích ăn và ăn ở đây cũng hơn 5 năm qua, một phần bởi tính cách của ông bà chủ đó. Cô chủ dễ thương thực kỳ, mình dặn sao là cô vui vẻ làm vậy, thậm chí còn hỏi có cần gì thêm không. Dù đông khách, nhưng cô vẫn làm hài lòng từng người một. Như tôi nè, tôi không ăn ớt với nặn chanh vô sẵn tô, ban đầu tôi còn dặn cô chứ về sau là cô nhớ luôn”, chị Thuỳ Dung (28 tuổi, Q.Bình Thạnh), khách “ruột” của quán, nhận xét.

Tô bánh canh hương vị đậm đà
cao an biên

Bà chủ tâm sự rằng, khách thương quý quán của mình, nên mới tới ủng hộ mấy chục năm nay. Thì, bản thân bà cũng phải thương quý họ như người thân trong nhà, ai muốn ăn sao thì vợ chồng bà cũng đáp ứng. Vì lẽ, nhờ có khách tới ủng hộ quán bánh canh, mà gia đình bà mới có tiền nuôi con, trang trải các chi phí suốt những năm qua.

Chỉ bán 3 tiếng, có khách phải… đặt trước

Vì chỉ bán chừng 3 tiếng bắt đầu từ 6 giờ sáng, nên nhiều người tranh thủ thức đến sớm. Thậm chí, từ tối có người đã nhắn tin từ sớm để đặt trước, vì sợ khách đông, hôm sau phải xếp hàng.

“Tôi phải nhắn tin cho bà chủ từ tối qua nè, sợ khách đông xếp hàng trễ giờ mình đi làm. Ăn ở đây mấy năm nay mê nhất là sợi bánh canh tự làm với mấy cái chả gửi từ Huế vô, ăn ngon. Giá cũng hợp túi tiền nên tuần nào cũng ghé đây mua mang đi làm luôn”, anh Thế Hiệu (32 tuổi, Q.Bình Thạnh) lấy 2 phần bánh canh đã đặt, rồi chạy xe đi.

Ít ai biết, 21 năm trước, vợ chồng bà chủ chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp, với hy vọng thay đổi cuộc sống nghèo khó. Ban đầu, họ gánh bánh canh đi bán khắp khu vực Thanh Đa, bán mỗi tô giá chừng 1.000 - 2.000 đồng, nhưng lạ nước lạ cái, chưa có khách, khó khăn trăm bề.

Dần dà, họ cũng có cho mình một lượng khách ruột ổn định, cho đến ngày hôm nay. Với ông bà chủ người Huế, hàng bánh canh này chính là cuộc đời, là chén cơm suốt mấy chục năm qua. Do vậy, hàng ăn vẫn sẽ được cố gắng duy trì đến khi ông bà chủ không còn sức bán nữa thì thôi.

Bà chủ được lòng vì lúc nào cũng "chiều" khách
cao an biên

Hơn 7 giờ 30 phút sáng, khách đến mua đông nghịt. Những tiếng cười, lời hỏi thăm, những câu chuyện đầy thương mến, mỗi ngày, vẫn đong đầy ở quán ăn 20 năm tuổi này.


Bình luận