Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 nhiều trẻ phải ở nhà tránh dịch, số trẻ bị rối loạn tâm lý, rối loạn ngôn ngữ, tương tác kém… có dấu hiệu gia tăng. Cha mẹ nên làm gì để giúp...

Nguyên nhân trẻ bị rối loạn tâm lý

Dịch bệnh có nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc của trẻ

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến trẻ em. Ngoài nguy cơ lây nhiễm, đại dịch còn ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc và tinh thần của trẻ nhỏ. Rối loạn tâm lý mà trẻ phải đối mặt ở giai đoạn phát triển này có thể để lại hậu quả lâu dài. 

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ bị rối loạn tâm lý do ít tiếp xúc với người khác và bạn bè đồng trang lứa, biểu hiện qua việc trẻ ít nói, né tránh ánh mắt khi giao tiếp, sợ người lạ… Nhiều trẻ phải nghỉ học, cô lập trong nhà để phòng tránh dịch COVID-19, nhưng cha mẹ để con một mình không trò chuyện khiến trẻ rối loạn tâm lý lúc nào không hay.

Việc hạn chế hoạt động, hạn chế tiếp xúc, tương tác với người xung quanh dẫn đến trẻ giảm khả năng tự phục vụ, thích ứng, nhận thức cũng như nâng cao vốn ngôn ngữ.  Trong khi đó, cha mẹ lại quá bận, nhiều người đi làm về thấy con đã được người giúp việc, ông bà cho ăn, vệ sinh cá nhân xong thì yên tâm nghỉ ngơi, ít chơi đùa, trò chuyện hay âu yếm khiến bé cảm thấy khoảng cách xa dần. 

Mặt khác, ở thời điểm trẻ không có dịp tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa, trường lớp, thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử có xu hướng tăng lên. Điều này khiến trẻ càng khép kín, ít tương tác với các thành viên trong gia đình. Nghiêm trọng hơn, khi trẻ bị rối loạn lo âu, chỉ cần người bên cạnh không ngồi sát bên thì trẻ đã co rúm sợ hãi, khóc thét đòi. Nhiều trẻ còn chán ăn, rối loạn giấc ngủ, thờ ơ với mọi thứ. 

Cha mẹ nên làm gì?

Tương tác nhiều với trẻ

Cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn bên cạnh việc quan sát con mình an toàn. Mỗi ngày, cha mẹ nên dành thời gian ít nhất 1 tiếng đồng hồ để chơi đùa với trẻ qua các trò chơi tương tác hai chiều như chơi cùng tô màu, hát cho trẻ múa hoặc cùng tập những bài thể dục nhẹ nhàng với con. Thay vì việc giao con mình cho người giúp việc hay ông bà chăm sóc, việc cha mẹ thường xuyên vui chơi và trò chuyện với trẻ khiến con cảm thấy được quan tâm, tránh làm cho trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, không an toàn. 

Nhận biết và khắc phục nỗi lo lắng của trẻ

Với những trẻ lớn hơn, con có thể lo lắng chuyện bản thân cũng như người thân nhiễm virus COVID-19. Trẻ có cảm giác lo lắng hoặc buồn bã quá độ thường dẫn đến chán ăn, mất ngủ và tình trạng khó tập trung, kém chú ý. Đây là một số dấu hiệu của sự căng thẳng ở trẻ em phụ huynh cần nhận biết để có thể thực hiện các bước để giúp con ổn định tâm lý.

Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh cho trẻ

Nên đọc

Cha mẹ cũng nên duy trì thói quen sinh hoạt điều độ cho trẻ kể để đảm bảo sức khỏe cũng như tâm lý của con. Phụ huynh nên chú ý cho con ngủ đúng giờ, ăn đủ bữa, vận động rèn luyện cơ thể hàng ngày. Giúp trẻ ăn cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng và uống đủ nước. Khuyến khích trẻ vui chơi, vận động - điều này rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời có thể giúp trẻ giữ gìn sức khỏe, duy trì khả năng tập trung.

Dạy và cùng trẻ thực hiện các biện pháp phòng dịch

Cha mẹ có thể giải thích và cùng trẻ thực hiện các bước để phòng tránh nhiễm bệnh và làm chậm sự lây lan của COVID-19. Hãy là một tấm gương sáng cho con như rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách 2 mét với người khác và đeo khẩu trang ở nơi công cộng để giúp bảo vệ bản thân và người khác. Trẻ sẽ cảm thấy yên tâm, không còn cảm giảm lo lắng, sợ hãi dịch bệnh.

Giúp trẻ duy trì kết nối với xã hội

Việc duy trì liên lạc với bạn bè và gia đình qua điện thoại hoặc trò chuyện qua video cũng giúp trẻ hạn chế nguy cơ rối loạn tâm lý khi ở nhà tránh dịch. Cha mẹ cũng có thể dạy trẻ ghi thiệp hoặc viết thư gửi bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình mà con chưa thể gặp gỡ. Điều này vừa giúp trẻ tăng tương tác với cha mẹ, khiến trẻ vui vẻ, cởi mở hơn cũng như không còn cảm giác cô lập.

Nguyễn An H+


Bình luận