Gần hết năm rồi. Sự thèm nhớ quê hương khi tết cận kề bất chợt đến từ lời rao “ai bánh ít mì hông”. Tiếng rao như “đường link” dẫn tới món ăn bình dị, quá đỗi thân quen,...

Gần hết năm rồi. Sự thèm nhớ quê hương khi tết cận kề bất chợt đến từ lời rao “ai bánh ít mì hông”. Tiếng rao như “đường link” dẫn tới món ăn bình dị, quá đỗi thân quen, như lối cũ ta về.

Vội mở cửa đón lời rao. Đón luôn chiếc nón lá xỉn màu mưa nắng che nửa khuôn mặt người đàn bà quê lam lũ. Tôi đưa tờ 20.000 đồng và nhận tới… 10 cái bánh. Nghĩ, cái giá của đồng đất xưa nay vẫn vậy, không làm “tổn thương” túi tiền ai cả.

Lần mở cái áo lá chuối ra. Bánh trắng đục, hơi ngả chút màu xanh nhạt. Mùi củ mì dậy lên, mùi nhân dừa trộn đậu phộng ngào qua đường dậy lên. Ăn cái bánh ít mì ở phố mà nghe gió quê xào xạc. Thấy cả những rẫy mì nghiêng nghiêng nơi triền đồi, những vuông mì bằng phẳng trong vườn nhà; thậm chí hai bên lối đi, nông dân vẫn cắm những hàng mì theo “tinh thần” không để tấc đất nào bị bỏ không.

Bánh ít mì

TRẦN CAO DUYÊn

Mùa nhổ mì vui lắm. Trẻ con được dẫn theo để giúp người lớn bẻ củ, lặt lá, dọn hom, chọn giống cho mùa sau. Nhìn những đống củ mì cao ngất, đứa trẻ quê cứ tưởng cha mẹ mình giàu lên thôi. Nhưng thật ra giá củ mì bèo lắm, cứ… kiên trì, bền vững ở mức 1.600 đồng/kg. Nhớ có năm dân trồng mì “đòi” tư thương và mấy ông nhà máy chế biến nông sản mua với giá 2.000 đồng/kg nhưng họ nháy nhau rồi lắc đầu. Nhiều khi lỗ chi phí phân bón, công làm đất, công chăm sóc cả 7 - 8 tháng trời nhưng cũng phải bán để rồi lọ mọ trồng vụ khác. Một phần nhỏ củ mì được để lại xắt lát phơi khô, làm bột, làm bánh tráng, bánh ít.

Một phần nhỏ người dân quê tranh thủ làm bánh ít từ củ mì bán ở mấy chợ gần, những ga tàu, bến xe lân cận. Nhỏ lẻ vậy nhưng chịu khó cặp nách rổ bánh nặng trịch cộng với lời rao mời mọc, ngày cũng kiếm được xấp xỉ 150.000 - 200.000 đồng. Bánh ít mì có hai loại: bánh nhân mặn và bánh nhân ngọt. Loại nào cũng lấy nhân dừa làm căn bản. Nhưng bánh nhân mặn có chút cay đậm vị của tiêu, hành tím, bột nêm. Còn bánh nhân ngọt thì chỉ thêm đường và đậu phộng.

Củ mì đi với cùi dừa. Câu này “đúc kết” cách ăn củ mì luộc cho đậm đà, chống ngán. Củ mì nấu lên ăn với cùi dừa vừa thơm vừa béo. Nhưng đây là cách ăn… lười nhác và nóng vội. Thay vì cắn miếng củ rồi cắn miếng dừa nhai chung nghe lộp bộp, người quê “nâng cấp” lên bằng cách làm bánh ít mì. Quả thật, cái bánh ít mì ngon gấp… quá trời lần so với củ mì nấu ăn với dừa miếng. Thì rõ ràng “bánh” sang hơn “củ”, bàn tán chi nữa? Mỗi lần nhà làm bánh ít để cúng giỗ hoặc ăn chơi, tôi phụ trách lột vỏ củ. Ba chở củ đi xay rồi lắng lọc lấy tinh chất bột. Chị mài dừa, cắt lá chuối. Mẹ làm nhân, gói bánh và cho bánh lên bếp. “Công trình tập thể” khiến cái bánh được nâng niu hơn, ngon hơn và câu chuyện khi ăn cũng giòn hơn.

Ba thì bao giờ cũng “nhiều chuyện”. Ông cho rằng bánh ít nói chung được nâng lên tầm… “văn hóa” từ lâu. Đến nỗi thèm bánh ít, cô gái phải chấp nhận lấy chồng xa. Không tin hả? Thì đây: “Muốn ăn bánh ít lá gai/lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”. Còn đây là lời cô gái quê tiễn chàng trai phố: “Xa nhau hổng biết nói gì/Gửi anh cái bánh ít mì làm tin”.

Năm hết tết tới. Dân làng tôi hay làm bánh ít mì cúng rằm cuối cùng của năm. Cũng bánh ít mì được dâng cúng ông Táo vào 23 tháng chạp. Đặc biệt là trong mâm cúng tất niên, những đĩa bánh ít mì bao giờ cũng được đơm một cách trang trọng. Củ mì thấm đất quê. Trái dừa cũng ngọt béo từ đất quê. Cái bánh ít mì quê mình ơi, thương lắm!


Bình luận