Hơn 10 năm, kể từ khi ông Khoa tổ chức tour đồng quê ở Hội An, nhiều hộ nông dân có thêm công việc huấn luyện trâu đón khách.

Quảng NamHơn 10 năm, kể từ khi ông Khoa tổ chức tour đồng quê ở Hội An, nhiều hộ nông dân có thêm công việc huấn luyện trâu đón khách.

Những ngày Tết, ông Lê Nhiên (Thanh Tây, Cẩm Châu, Hội An) vẫn lấm lem tay chân với bùn đất, cắt cỏ non, lúa non cho những chú trâu khỏe mạnh, đợi đón khách trải nghiệm. Người nông dân 48 tuổi cho biết, gần đây Hội An ít khách du lịch, đàn trâu gần 20 con của ông quay về với việc đồng áng.

Kiếm chục triệu đồng nhờ cho khách cưỡi trâu

Du khách trải nghiệm cưỡi trâu.

Trước khi Covid-19 bùng phát, một ngày đàn trâu của ông Nhiên có thể đón hàng chục tới cả trăm khách đi tour, mang về thu nhập 14-15 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi nhận thông báo có khách du lịch từ công ty tour, ông Nhiên tắm cho trâu trước một ngày để đảm bảo vệ sinh.

Tour thường kéo dài 30 - 60 phút, trong đó có 5 phút khách cưỡi trâu lội ruộng đồng, lội nước dưới sông. Còn lại là thời gian khách trải nghiệm đồng quê, trò chuyện và nghe điệu hò của người nông dân.

"Khi đưa khách lội sông, mình té rồi khách cũng té, cùng họ bơi hoặc lội bùn luôn mà thấy rất vui. Những ngày khi không làm du lịch, chỉ đi cày thu nhập nhiều nhất chỉ được khoảng 200.000 đồng, mà công việc vất vả", ông Nhiên kể.

Những ngày đầu tiên khi đưa trâu đón khách, ông quan sát thấy nhiều con sợ sệt hay dị ứng với mùi nước hoa, mùi phấn lạ. Do đó, khi về chuồng, ông thường cho nước hoa vào tay, rồi vỗ để chúng ngửi cho quen.

Gắn bó với nghề du lịch gần 15 năm, đàn trâu của ông Nhiên con nào cũng được đặt tên, tùy thuộc vào tính cách mà chúng được gọi là Lũ, Phố, Bĩnh... trong đó, con làm du lịch lâu năm nhất là Xe. Ông cho biết, trâu làm du lịch phải lớn hơn 3 tuổi, hiền lành để khách có thể vuốt ve, cưỡi trên lưng. Trải qua "lớp huấn luyện" từ khi còn là nghé, chúng rất biết nghe lời và đã quen với khẩu hiệu "dí, dờ, dí ra, quá vô, dung" (đi thẳng, dừng lại, rẽ trái, rẽ phải, đi lùi).

"Mình thương hắn như con mình vậy, vì hắn làm ra của cải, nuôi sống cả gia đình mà. Bây giờ có dịch mà ít khách, mình vẫn chăm trâu và hắn lại giúp mình làm ruộng, kiếm thêm thu nhập", ông nói.

 NVCC.

Ông Nhiên cho biết những con trâu hiền thường có xoáy giữa trán, gờ sau gáy nhô cao. Ảnh: NVCC

Với hơn 10 năm nuôi trâu làm du lịch, lão nông 69 tuổi Phạm Nhì (thôn Võng Nhi, Cẩm Thanh, Hội An), cho biết trước dịch, đàn trâu 4 con của ông mang về thu nhập 12-13 triệu đồng mỗi tháng. Mảnh ruộng 7.200 m2 của ông cũng được sử dụng để đón khách. Nếu có đoàn khách đặt, gia đình ông nhận nấu các bữa ăn dân dã để họ thưởng thức. Ông cho biết, nối nghề làm nông của cha ông, trước đây ông chưa từng nghĩ có một ngày trâu sẽ được huấn luyện đón khách, giúp nông dân không còn vất vả với công việc đồng áng.

Sau khi dịch bùng phát, kể từ tháng 3/2020, ông chỉ đón 2 đoàn khách đi tour, gần đây nhất là đoàn ngày mùng 3 Tết cũng bị hủy. "Tôi chỉ mong hết dịch, tôi sẽ tiếp tục đưa trâu làm du lịch để kiếm thêm thu nhập. Như bây giờ khó khăn quá", ông nói.

Bà Huyền Trân, cán bộ phụ trách du lịch tại UBND xã Cẩm Thanh cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 4 hộ nuôi trâu làm du lịch, với số lượng 12 con. Trước đây, các hộ nông dân nuôi trâu phục vụ đi cày nên thu nhập không cao. Sau khi chuyển sang kết hợp làm nông và du lịch, nhiều hộ có thêm thu nhập 60-80 triệu đồng/năm, có năm đạt trên 100 triệu đồng.

Người đầu tiên mang trâu làm du lịch

Cách đây khoảng 13 năm, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack Trần Tours, "lang thang" khắp xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, An Mỹ, Cẩm Châu, để tìm người nông dân hợp tác làm tour trải nghiệm đồng quê. Những ngày đầu tiên, để thuyết phục những người lần đầu làm du lịch giao mảnh ruộng, con trâu để đón khách rất khó khăn.

Ông Khoa mất khoảng 3 năm để hướng dẫn người dân làm du lịch và hoàn thiện tour. Đến năm 2010, sản phẩm tour trồng lúa nước mới chính thức được ra đời. Với ông, làm việc với người nông dân thực sự dễ thương nhưng họ cũng rất lâu mới có thể tiếp thu kiến thức mới lạ. Lúc ấy, điều ông cần nhất là sự kiên trì.

 NVCC.

Tour trồng lúa đã được ông Khoa phát triển hơn 10 năm. Ông hy vọng dịch sớm được kiểm soát, để tiếp tục đón khách trải nghiệm du lịch cùng trâu. Ảnh: NVCC

Ông Khoa cho biết, ý tưởng làm du lịch với trâu xuất phát từ nhu cầu của du khách đến từ Anh, Mỹ, New Zealand... Ở quốc gia của họ, con trâu, cái cày, cái bừa hoàn toàn xa lạ, họ thấy hình ảnh nghề nông Việt Nam rất đẹp và thú vị.

"Còn với tôi, hình ảnh con trâu cùng người nông dân đi cày, tạo ra lúa, gạo nuôi dưỡng cả một dân tộc là điều rất lớn lao. Tôi vẫn thường nói với du khách rằng mình tự hào về quê hương Việt Nam, một dân tộc kiên cường, đi lên từ nền nông nghiệp lúa nước", ông nói.

Với ông, làm tour trải nghiệm đồng quê, một phần là để phục vụ du khách, một phần là giúp người dân tăng thêm thu nhập trên chính công việc lam lũ thường ngày. Công ty của ông liên kết với khoảng 20 hộ nuôi trâu ở 4 xã, trong đó gia đình ông Nhiên, ông Nhì là làm chính. Trước dịch, một năm công ty có thể đón 2.000 - 3.000 khách trải nhiệm dịch vụ du lịch cùng trâu. Giúp các hộ thành viên thu nhập trung bình đạt 10-15 triệu đồng mỗi tháng.

Trong thời gian khách quốc tế chưa trở lại, tour du lịch với trâu dần nhận sự quan tâm của du khách nội địa. Phần lớn trong đó là các gia đình có con nhỏ từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM... muốn tìm hiểu về cuộc sống người nông dân.

Bên cạnh tour trải nghiệm đồng quê, công ty còn tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu văn hóa Hội An như khám phá làng chài, câu cá, chèo thuyền thúng... Giá tour từ 25 đến 50 USD mỗi người.

Lan Hương


Bình luận