Quán phở của dì 7 ở TP.HCM độc, lạ không chỉ bởi dì mở bán lúc 3 giờ 30 phút sáng, mà còn bởi cái tên… "phở sinh đôi".

20 năm bán giờ “không giống ai"

Ở TP.HCM, không có gì ngạc nhiên nếu một quán ăn mở bán lúc 6 - 7 giờ sáng, bởi đây là giờ cao điểm người ta đi làm, tiện đường ghé quán nào đó để ăn hoặc mua mang đi. Nhưng suốt hơn 20 năm qua, ngày nào như ngày nấy, cứ 3 giờ 30 phút sáng, quán phở của bà Hồ Thị Lôi (62 tuổi, còn gọi là dì 7) đã mở cửa đón khách.

 Vì sao là… 'phở sinh đôi'? - Ảnh 1.

Quán của dì 7 có thâm niên hơn 20 năm nay.

CAO AN BIÊN

[CLIP]: Quán "phở sinh đôi" bán giờ "lạ" ở TP.HCM.

Nghe danh đã lâu, nhưng chiều nay tôi mới có dịp ghé quán dì 7 để thưởng thức. Băng qua cơn mưa chiều râm ran cùng dòng xe kẹt, tôi dừng trước quán của dì có biển hiệu to đùng ghi “phở sinh đôi". Quán ăn và cũng là nhà của dì 7 nằm trên mặt tiền Hương lộ 80 (X.Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh).

Lúc này, quán không mấy đông. Dì 7 nói những ngày thường, khách đều đặn. Cuối tuần, người tới đây ăn mới đông nghẹt, kín bàn, 12 nhân viên làm ca sáng hay 6 nhân viên làm ca tối tất bật hơn.

Hồi đó quán không có tên, biển hiệu gì đâu. Khách cũng hỏi sao không đặt tên cho người ta biết ai bán, tôi thấy cũng hợp lý. Bán được mấy năm thì con trai lớn tôi có 2 con gái sinh đôi, nên quyết định đặt tên quán là "phở sinh đôi", giữ vậy suốt 18 năm qua. Giờ 2 cháu tôi cũng lớn rồi, học lớp 12 rồi!

Dì 7, Chủ quán

Bà chủ thiệt tình, nói rằng quán này không phải do mình mở. Hồi đó, một người chị thân của bà quyết định mở quán này để kiếm kế sinh nhai, bán cũng đông khách. Bán chừng 2 - 3 năm, người chị nghỉ, bà mới “kế thừa" lại quán mà bán tiếp. Trước đó, dù đã có nhiều năm bán các món nước khác, nhưng dì vẫn quyết định gắn bó với phở, cũng bởi 2 chữ “duyên nợ".

 Vì sao là… 'phở sinh đôi'? - Ảnh 4.

Nồi nước lèo sôi sùng sục.

CAO AN BIÊN

Mỗi phần ăn dao động 40.000 - 50.000 đồng.

CAO AN BIÊN

Từ những ngày đầu, nhận thấy nhu cầu của khách ăn lúc rạng sáng đông đúc nên bà chủ quyết định bán từ 3 giờ 30 phút sáng. Đa phần, khách là công nhân, người lao động tự do đi làm khuya về, là người dậy sớm để đi làm, ăn riết quen khung giờ này nên cứ vậy mà bà chủ bán cũng ngót nghét 2 thập kỷ.

Lẽ ra, bà chỉ bán từ 3 giờ 30 phút sáng tới 15 giờ chiều là nghỉ. Nhưng từ hồi sau dịch Covid-19, bà quyết định bán tới tận 0 giờ sáng hôm sau để kiếm thêm. Buổi sáng, bà bán với 12 nhân viên. Buổi tối, là con dâu bà thay ca cho mẹ, có 6 nhân viên cùng phụ.

 Vì sao là… 'phở sinh đôi'? - Ảnh 6.

Tô phở giá 50.000 đồng.

CAO AN BIÊN

Bán từ tờ mờ sáng vì “thương khách", thì tôi đã hiểu. Còn tên quán là “phở sinh đôi" thì tôi có phần tò mò, quyết phải hỏi được bà chủ. Nghe vậy, dì 7 cười khoái, nói là dì có 2 người cháu nội sinh đôi, con của con trai đầu.

“Hồi đó quán không có tên, biển hiệu gì đâu. Khách cũng hỏi sao không đặt tên cho người ta biết ai bán, tôi thấy cũng hợp lý. Bán được mấy năm thì con trai lớn tôi có 2 con gái sinh đôi, nên quyết định đặt tên quán là “phở sinh đôi", giữ vậy suốt 18 năm qua. Giờ 2 cháu tôi cũng lớn rồi, học lớp 12 rồi!", dì 7 giải thích.

Mong các con kế thừa

Chiều chiều, anh Hòa (29 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) đến mua một phần phở mang đi. Vị khách cho biết mình là mối “ruột" của quán nhiều năm, lâu quá nên cũng không nhớ đã phải lòng vị phở ở đây từ khi nào.

 Vì sao là… 'phở sinh đôi'? - Ảnh 7.

Anh Hòa là khách quen của quán.

CAO AN BIÊN

 Vì sao là… 'phở sinh đôi'? - Ảnh 8.

Nhiều người dân ở Bình Chánh biết tới quán phở có thâm niên của dì 7.

CAO AN BIÊN

“Nước lèo ở đây ngon, hợp khẩu vị của tôi. Mỗi lần có dịp làm việc gần đây là tôi ghé chỗ cô mua ăn. Ở đây nhìn sạch sẽ, giá cũng phải chăng nên cứ ủng hộ thôi”, anh nói.

Nói về bí quyết nấu phở, bà chủ tự hào nhất ở phần nước lèo của mình. Theo bà, vị ngọt của nước lèo là từ xương bà hầm. Thêm vào đó, sự tươi ngon của bò cũng như sự phối hợp với các nguyên liệu khác làm cho tô phở được khách chuộng, có khách ăn suốt mấy chục năm.

Ăn thử, thấy đúng như bà chủ giới thiệu, nước lèo đậm đà, có hậu ngọt. Vị phở hợp với người miền Nam hay những người thích món ăn thiên ngọt một chút. Với tôi, tô phở 8/10, đáng để thử qua. Tất nhiên, khẩu vị mỗi người mỗi khác, bạn có thể ăn và tự đánh giá nếu có dịp.

 Vì sao là… 'phở sinh đôi'? - Ảnh 9.

Dì 7 mong sẽ có người nối nghiệp.

CAO AN BIÊN

 Vì sao là… 'phở sinh đôi'? - Ảnh 10.

Tô phở đậm đà đáng để thử qua.

CAO AN BIÊN

Ở đây, mỗi phần phở dao động 40.000 - 50.000 đồng tùy loại, tô 50.000 đồng là tô đặc biệt. Mức giá phù hợp khi quán nằm xa trung tâm thành phố. Theo lời bà chủ, phần hết hàng sớm nhất ở quán chính là gân bò, được khách khá chuộng.

Chính nhờ có quán phở này, dì 7 đã cùng chồng nuôi 3 người con (2 trai, 1 gái) khôn lớn, trưởng thành. Nay các con đều đã có gia đình và cuộc sống ổn định. Hiện chủ yếu con dâu, là vợ của con trai đầu của bà phụ mẹ buôn bán. Bà chủ hy vọng một ngày nào đó, nếu mình không còn sức để bán thì các con của mình sẽ là người kế thừa quán ăn tâm huyết của mẹ.


Bình luận