Mở bán từ 6 giờ tới 9 giờ sáng, tuy nhiên có những ngày quán bún suông của bà Lương ở Q.4 (TP.HCM) bán 2 tiếng đã… sạch sành sanh.

Đông khách

Một ngày giữa tuần, tôi thức dậy thật sớm, chạy xe máy từ nhà qua quán bún suông của cô Phạm Thị Lương (54 tuổi) nằm khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ ở Bến Vân Đồn (Q.4). Thức sớm cũng là có lý do, bởi không ít lần tôi tới đây ăn lúc 8 giờ rưỡi hơn thì nhận được thông báo “Hết suông rồi con ơi!” cùng nụ cười dễ thương của bà chủ. Vậy là, bụng đói ra về!

 Con dâu kế thừa mẹ chồng, bán trong 3 tiếng - Ảnh 1.

6 giờ sáng, quán bắt đầu mở cửa.

CAO AN BIÊN

Quán ăn nhỏ, chỉ vài ba cái bàn và một bảng thông báo giản dị được đặt phía trước: “Bán bún suông". Lúc tôi tới, cũng cỡ 7 giờ hơn, khách đã ngồi kín bàn. Nhiều người không có chỗ ngồi nên mượn bàn inox cao hơn ở quán nước gần đó để ngồi ăn, sẵn gọi thêm nước uống.

Vô chừng lắm! Có hôm 8 giờ, 8 giờ rưỡi hết rồi. Vẫn có những ngày bán 9 giờ, lâu lâu thì có khi 10 giờ mới hết.

Bà Phạm Thị Lương, Chủ quán

Lúc này, các thành viên trong gia đình bà làm “ná thở” để phục vụ khách. Trước đó, bà phải thức lúc 2 giờ sáng để chuẩn bị các nguyên liệu, nhất là nấu suông để kịp giờ bán.

Khi khách gọi món, chủ quán sẽ hỏi khách ăn loại nào, tô đặc biệt, sườn hay giò. Với một tô đầy đủ, bà chủ nhanh chóng lấy một ít bún trụng vào một nồi riêng rồi cho vào tô, sau đó thêm các nguyên liệu như giò, thịt heo, suông, tôm, huyết heo, khô mực...

 Con dâu kế thừa mẹ chồng, bán trong 3 tiếng - Ảnh 3.

Tô bún suông với sự kết hợp hài hòa của nhiều nguyên liệu.

CAO AN BIÊN

Tất cả đều được tưới ngập trong nước dùng đậm đà, bà Lương cũng không quên cho thêm một ít hành phía trên cho thơm. Món bún được ăn kèm với đĩa rau sống hoặc rau trụng tùy theo yêu cầu của khách. Một tô bún đặc biệt tại quán có giá khoảng 50.000 đồng.

“Cái đặc biệt nhất trong tô bún của tôi chính là con suông, nó được chế biến theo công thức bí truyền do mẹ tôi để lại. Nhiều khách tới ăn thường gọi thêm một tô suông ăn mới đã. Nhiều người trả tôi mấy chỉ vàng để chỉ họ làm theo đúng hương vị tôi đang bán, nhưng có chết tôi cũng không nói vì đó miếng cơm manh áo của gia đình tôi mà”, bà cười.

Ăn bún suông tại quán ăn này từ hồi mới chập chững tập đi, chị Trâm Anh (42 tuổi) vẫn thường tới lui nơi này để được thưởng thức hương vị tuổi thơ. “Hồi xưa ở đây, ngày nào tôi cũng ăn hết. Từ ngày chuyển qua Q.10 sống, cứ cách tuần là tôi ghé đây ăn như một thói quen. Ăn nhiều nơi, tôi chưa thấy đâu có hương vị như ở đây”, vị khách nhận xét.

 Con dâu kế thừa mẹ chồng, bán trong 3 tiếng - Ảnh 4.

Quán ăn được bà kế thừa từ mẹ chồng.

CAO AN BIÊN

Suốt hơn 30 năm bán hàng, bà Lương có không ít mối quen, cũng nhiều khách lạ nhưng mỗi vị khách đều được bà chủ đón tiếp nồng hậu. Bà chủ hào hứng kể: “Tôi nhớ mãi có cặp vợ chồng với đứa con ở đường Đoàn Văn Bơ (Q.4), ăn ở quán tôi 13 ngày liên tục. Mỗi lần đến là đếm số ngày ăn ở đây. Tôi cũng hỏi vui là ăn hoài không ngán hay sao mà cứ ăn mãi vậy. Lâu rồi không thấy ăn nữa, chắc cũng ngán!”.

Cả nhà cùng bán

Đến nay, bà Lương cũng không biết gánh bún suông của gia đình mình được bán từ khi nào, vì từ khi về làm dâu nhà chồng bà đã theo phụ mẹ chồng bán. “Tôi chỉ biết nó có từ thời mẹ chồng của mẹ chồng tôi, đến tôi là đời thứ 3 rồi. Lấy chồng năm 19 tuổi, sau 2 năm phụ mẹ tôi kế thừa quán luôn vì sức khỏe của bà yếu, vậy mà bán tới giờ”, bà chủ nhớ lại.

Thời điểm mới bắt kế thừa quán, nhiều khách quen ngần ngại, cứ hỏi mẹ chồng bà đâu vì sợ cô con dâu không làm ngon như mẹ. Dần dà, mọi người ăn cũng thấy hương vị giống như xưa nên lại tiếp tục gắn bó, khách vẫn đông như thời mẹ chồng bà đứng quán.

 Con dâu kế thừa mẹ chồng, bán trong 3 tiếng - Ảnh 6.

Nhiều người là khách "ruột" của quán.

CAO AN BIÊN

“Nhờ có mẹ truyền lại công thức, mà tôi mới nấu ngon được như bây giờ. Nhưng mà cũng không dễ để học được, nhất là cách làm suông. Chỉ là tôm xay ra lăn với bột rồi nấu nhưng khó lắm à nha. Thời gian đầu làm hỏng miết, con suông nó mềm nhão ra. Bữa đó coi như hết vốn!”. Vậy nhưng bà chủ vẫn kiên trì làm và nấu thuần thục được như hiện tại.

Hiện quán không có nhân viên mà chỉ có vợ chồng bà và con gái nấu nướng, tiếp khách. Mỗi người trong gia đình một việc, chồng bà đảm nhận việc đi chợ, dọn hàng, bà thì nấu ăn, con gái thì tiếp khách rồi phụ mẹ các công việc lặt vặt.

[CLIP]: Quán bún suông TP.HCM truyền 3 đời bán trong 3 tiếng.

 Con dâu kế thừa mẹ chồng, bán trong 3 tiếng - Ảnh 7.

Bà chủ quyết tâm kế thừa và phát triển quán ăn của mẹ, tới khi nào không còn sức thì thôi.

CAO AN BIÊN

“Lớp 7 là tôi đã theo mẹ bán rồi, giờ cũng 30 tuổi, mười mấy năm chứ ít gì. Làm cái này vui lắm, vì được gắn bó với cha mẹ, được gặp khách cũng như có tiền lo cho cuộc sống. Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng để kế thừa hàng bún của mẹ”, chị Nguyễn Lương Ngọc (con gái bà Lương) tâm sự.

Niềm hạnh phúc của cả gia đình bà Lương là được quây quần cùng nhau nấu những tô bún suông truyền thống của gia đình để phục vụ thực khách. Bà nói rằng mình sẽ bán đến khi không còn sức bán nữa thì thôi vì đây là quán bún chính là tâm huyết, là niềm tin mà mẹ chồng và cả thực khách đã đặt vào bà…


Bình luận