Trong khi đó, nhiều hàng quán vẫn cố gắng giữ nguyên giá, chấp nhận "lời ít một chút" để không ảnh hưởng tới khách, trong lúc chờ giá gạo "hạ nhiệt".
Bún, phở tăng theo giá gạo: Nhiều chủ quán 'nhấp nhổm' vì phải cầm cự giữ giá
“Không tăng, trụ không nổi!”
9 giờ sáng ngày 12.8, như thường lệ, ông Năm là chủ một quán cơm gà xối mỡ nổi tiếng ở Q.3 (TP.HCM) cùng vài người phụ quán tất bật dọn hàng, chuẩn bị cho kịp 10 giờ bán.
Phía trước quán, là một tấm bảng menu ghi rõ giá cả, dao động từ 10.000 - 60.000 đồng/phần ăn. Chỉ vào đó, ông chủ thở dài cho biết từ đầu tháng 8 này, ông bắt đầu tăng giá các món lên 3.000 - 5.000 đồng. Cụ thể, món cơm đùi gà/má đùi gà từ 32.000 đồng lên 35.000 đồng/phần, cơm gà góc tư từ 55.000 đồng lên 60.000 đồng phần.
1 tháng nay, giá gạo mà tôi mua tăng lên liên tục, từ 12.500 đồng, lên 13.000, 14.000 đồng, giờ là 16.500 đồng, nhập gạo từ mối quen mà còn tăng như vậy đó. Không chỉ gạo, mà gà hay các nguyên liệu làm món đều tăng, nếu tôi không tăng giá lên thì không thể nào trụ nổi. Bấm bụng lắm, mới dám tăng.
Ông Năm, Chủ quán
"Trước khi tăng, tôi cũng có báo với khách một tiếng để họ thông cảm, mình giảm một chút lời, khách cũng thông cảm để cùng quán vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông chủ vừa dọn quán, vừa tâm sự.
Ông chủ quán cơm cảm thấy may mắn khi dù tăng giá, nhưng khách thì thông cảm và vẫn tới ủng hộ. Tuy nhiên, ông hy vọng thời gian tới, giá gạo có thể giảm xuống để giá cả và công việc buôn bán của ông sớm ổn định. Bởi, ông cho biết mỗi ngày, số lượng gạo ông nấu là rất lớn, nếu tình hình kéo dài và giá gạo tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công việc buôn bán của quán.
Kế bên quán của ông Năm, chị Trâm (45 tuổi), mới mở quán bán các món đặc sản miền Trung cũng như hủ tiếu, nui cũng treo một tấm bảng trước quán với dòng chữ: "Từ ngày 1.8.2023, quán xin lên giá 28.000 đồng/tô. Xin cảm ơn!”.
Chỉ chủ cho biết mình mới mở quán cách đây 4 tháng, dù không bán nhiều các món được làm từ gạo, tuy nhiên việc giá gạo lên, theo chị, ít nhiều cũng có ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của mình.
Nói về việc lên giá 3.000 đồng, từ 25.000 đồng ban đầu, chị chủ tâm sự phần vì các nguyên liệu đầu vào thời điểm này tăng lên, nên chị phải tăng theo để có thể trụ được. Nếu vẫn giữ nguyên giá cũ như thời điểm mới khai trương, thì khó lòng vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
“Tôi có nghe nói giá gạo tăng lên 2.000 đồng, tôi thì có thể không bị ảnh hưởng nhiều ở hiện tại, nhưng về lâu dài, cứ theo đà tăng này thế nào cũng có thôi. Giờ cái gì cũng tăng, mình buôn bán nhỏ thôi nên cứ cố gắng cầm chừng chờ tình hình khởi sắc", chị chủ nói.
Đội chi phí, nhưng không tăng giá vì…
Chị Trương Thị Hạnh (38 tuổi), chủ quán bún bò có gần 40 chi nhánh ở TP.HCM và một số tỉnh thành ở Việt Nam cho biết 1 tháng nay, từ ngày giá gạo bắt đầu tăng, giá bún chị nhập về cũng tăng lên. Suốt 4 năm qua, đây là lần đầu chị gặp tình trạng này.
Tôi nhập bún từ mối quen, đó giờ giá cả vẫn vậy. Tự dưng mấy nay tăng lên. Mỗi ngày, hệ thống quán của tôi mua chừng 500 kg tới 1 tấn bún, tùy lúc, giá cũng thấp so với mặt bằng chung nhiều rồi, 8.000 đồng/ký. Giờ tăng 1.000 đồng, lên 9.000 đồng. Tính ra, hằng tháng tiền bún tăng đội chi phí lên tới hàng chục triệu!
Chị Hạnh, Chủ quán bún bò
Cũng theo chị chủ, không chỉ giá bún, mà các nguyên liệu khác để nấu một tô bún bò cũng tăng lên. Tình hình kinh doanh gặp khó khăn, nhưng chị vẫn quyết không tăng giá vì sợ mất khách, bởi tình hình buôn bán nhiều tháng qua không mấy khả quan.
Tương tự quán chị Hạnh, quán cơm tấm nằm ở số 852 trên đường Trường Sa (Q.3) cho biết dù giá gạo tăng lên, nhưng quán không tăng giá vì cách đây nhiều tháng, quán đã mua gạo với số lượng lớn dự trữ, có thể bán thêm gần 2 tháng nữa mới hết. Chị cho biết mỗi ngày, quán nấu khoảng 100 kg gạo.
Quản lý quán ăn này cho biết ở đây, chủ yếu phục vụ sinh viên, người lao động bình dân nên giá chỉ từ 30.000 - 55.000 đồng, hoặc hơn nếu khách có nhu cầu. Vì vậy, dù một số quán có tăng giá món ăn khi giá gạo tăng, nhưng quán chị thì vẫn cố gắng giữ.
Giá gạo tăng, ảnh hưởng tới các quán bán món được làm từ loại lương thực này.
CAO AN BIÊN
“Riêng món gà, vì giá nguyên liệu này tăng nên quán có tăng lên 2.000 đồng mấy ngày nay. Còn lại đều vẫn giữ nguyên như vậy. Không biết vài tháng tới, khi hết gạo dự trữ thì tình hình ra sao, hy vọng là giá gạo lúc đó giảm", chị bày tỏ.
Chủ một quán cơm tấm nằm trên đường Bùi Minh Trực (Q.8) cũng cho biết dù giá gạo tăng, nhưng quán chị không bị ảnh hưởng vì nhà chị cũng có người thân kinh doanh gạo. Thời điểm này, vì mối quan hệ thâm tình nên chị vẫn được cung ứng gạo với giá cũ, việc buôn bán cũng không ảnh hưởng nhiều.
"Nếu xét về lâu về dài, thì cũng có chút hồi hộp vì cứ tăng tiếp nữa thì thế nào cũng ảnh hưởng tới mình. Cứ chờ thời gian tới xem sao, mong giá cả bình ổn cho người lao động", chị chủ hy vọng.
Tính đến cuối ngày 11.8, thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết: Giá gạo 5% tấm đang ở mức 650 USD/tấn còn gạo 25% tấm của VN là 618 USD/tấn và Thái Lan là 612 USD/tấn. Đây đều là những mức giá cao kỷ lục, ít nhất trong 15 năm qua kể từ đợt sốt giá gạo năm 2008. Giá gạo 5% tấm vượt 600 USD là điều mà nhiều chuyên gia đã dự báo từ khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nhưng giá gạo 25% tấm cũng vượt ngưỡng 600 USD/tấn là điều khiến không ít người bất ngờ.