Kinh doanh cà phê không đơn thuần là cuộc dạo chơi
"Tôi muốn hôm nay và nhiều năm sau nữa, khách hàng nhớ đến Tonkin Cottage như một quán cà phê nhỏ nằm bên hông chợ Bến Thành, phục vụ những ly cà phê Việt thật êm". Đó là mục tiêu của anh Hà Nguyễn - ông chủ quán cà phê Tonkin Cottage. Với không gian hoài niệm đậm chất Việt cùng mùi hương cà phê thơm lừng lan tỏa từng góc bàn, Tonkin Cottage thu hút khách Việt lẫn du khách quốc tế. Quán không quá đông đúc nhưng luôn ấm cúng và tràn đầy sức sống.
Xuất phát điểm là một người có tình yêu ẩm thực, anh Hà dần tìm tòi về mảng cà phê, và ước mơ về một quán cà phê của riêng mình bắt đầu nhen nhóm khi anh Hà trải qua thời gian cao điểm dịch Covid-19. Anh kể: "Giai đoạn Covid-19 là khoảng thời gian thuận lợi cho ngành bán lẻ, nhất ngành hàng thiết yếu nơi tôi làm việc. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian cho tôi nhìn nhận lại về bản thân. Lúc đó, tôi sống với tâm thế như đây là những ngày cuối cùng. Tôi nhận thấy nếu không dũng cảm theo đuổi điều thực sự yêu thích và dành thời gian cho nó thì đến một lúc nào đấy mình sẽ không còn cơ hội. Thế là tôi bắt tay vào tìm hiểu về ngành F&B và sau 2 năm tôi chính thức mở quán".
Ông chủ Tonkin Cottage ví von việc từ bỏ một công việc ổn định mà mình đã "lão luyện" hơn 10 năm để "dấn thân" qua lĩnh vực mới giống như bước ra khỏi khu vườn bình yên để tiến vào một cánh rừng xáo động với nhiều thử thách. Tuy nhiên, anh không hề "nhắm mắt làm liều" mà dành 2 năm để tìm tòi, học hỏi, chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần đầu khởi nghiệp.
Tonkin Cottage khai trương vào tháng 9.2022 thì đến tháng 5.2023, anh Hà quyết định nghỉ hẳn công việc toàn thời gian của mình để toàn tâm xây dựng quán. Bởi anh biết ngành F&B rất vất vả và đầy tính cạnh tranh nên việc mở quán cà phê không đơn thuần là cuộc dạo chơi.
Thời gian đầu, dù có nhiều bỡ ngỡ trong việc tổ chức vận hành quán nhưng anh Hà luôn biết rõ điều bản thân mong muốn. Ông chủ 9X lựa chọn cà phê hạt Fine Robusta trồng tại Việt Nam để làm món thức uống "signature" cho quán.
"Robusta là loại hạt chiếm hơn 80% sản lượng cà phê của Việt Nam nhưng lại đang bị xếp vào loại cà phê hạng hai. Có nhiều người cho rằng Robusta chỉ nên được sử dụng cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm để tạo ra cà phê hòa tan, bánh kẹo chứ nó không được xếp vào hàng ngũ cà phê đặc sản, phục vụ cho việc thưởng thức thuần túy. Bởi thế, tôi muốn chiếc quán nhỏ của mình có thể góp thêm một tiếng nói giúp trả lại vị thế của hạt cà phê Robusta Việt Nam trên thị trường".
Theo anh Hà, khi được canh tác theo hướng hữu cơ và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, hạt cà phê Robusta Việt có hương vị phong phú, đặc trưng. Cà phê chiết xuất từ hạt Robusta này không đắng gắt, đắng khét, mà dễ uống với vị chua dịu, ngọt mặn cân bằng cùng hậu vị đắng ngọt dài. "Hiện tại, tôi tự hào quán của mình đã mang lại ấn tượng tốt cho những người yêu cà phê đến từ nhiều quốc gia", anh Hà thổ lộ.
Nhanh chóng có khách nhờ app đặt đồ ăn
Bên cạnh việc tạo ra thức uống đặc trưng thì lựa chọn mô hình kinh doanh cà phê phù hợp là rất quan trọng. Với đặc thù của mô hình kinh doanh boutique, Tonkin Cottage chú trọng đến việc bán tại chỗ. Tuy nhiên, không vì thế mà việc đưa quán lên các app đặt đồ ăn trực tuyến bị xem nhẹ. Ông chủ Tonkin Cottage nhận định: "Ngay từ khi mới mở quán, tôi đã hợp tác với các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến như GoFood của Gojek. Khi quán còn mới, ít người biết đến thì việc đưa quán lên app sẽ khiến khách hàng bắt đầu chú ý đến mình. Ngoài việc bổ trợ doanh thu, app còn là kênh giúp mình tiếp cận khách hàng để tạo ra lần mua đầu tiên. Có nhiều khách đặt cà phê của quán qua app rồi mới thích và đến quán trải nghiệm thực tế".
Cũng theo anh Hà, bán qua các ứng dụng đặt đồ ăn giúp giải quyết thêm được nhiều vấn đề trong khâu vận hành. Ví dụ, những khung giờ quán hay "hổng" khách trực tiếp như sáng sớm, giờ nghỉ trưa thì vẫn có đơn bán online từ nhóm khách hàng nhân viên văn phòng. Bên cạnh đó, khi có các chương trình khuyến mãi trên GoFood, khách hàng sẽ dễ tiếp cận, cởi mở hơn đối với các quán nhỏ và mới như Tonkin Cottage. Những phản hồi của khách hàng cũng là nguồn thông tin có giá trị, được quán ghi nhận và làm cơ sở trong việc kiện toàn quy trình vận hành. "Chỉ sau nửa năm hoạt động, cửa hàng đã vào guồng quay vận hành tốt, có lượng khách ổn định và kinh doanh có lời", anh Hà cho biết.
Việc mở rộng mô hình kinh doanh từ phục vụ tại chỗ truyền thống lên kinh doanh online thông qua nền tảng đặt đồ ăn như GoFood của Gojek giúp góp phần tạo ra nguồn doanh thu mới đối với các cửa hàng kinh doanh ẩm thực. Kinh doanh online còn là kênh tiếp cận khách hàng mới và ghi nhận phản hồi từ khách hàng một cách hiệu quả, theo như câu chuyện từ Tonkin Cottage.
Các cửa hàng cá nhân kinh doanh ẩm thực đăng ký kinh doanh trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek hoàn toàn không mất phí. Thông tin chi tiết hướng dẫn cách đăng ký tham khảo tại đây.