Suốt nhiều năm qua, quán phở của gia đình bà Đỗ Thị Liên (62 tuổi) nằm trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp) gây thương nhớ cho nhiều khách “ruột".
Chục năm… “không đóng cửa"
Sáng sáng, TP.HCM mát trời sau cơn mưa dầm dề đêm trước. Thời tiết này, còn gì “đã" hơn việc thức dậy sớm, đi ăn một tô phở nóng hổi. Nghe danh quán bà Liên đã lâu, nhất là lời đồn mỗi ngày quán bán 2 - 3 con bò, nhưng tới nay thì mới có dịp ghé.
Trong không gian quán ăn gia đình rộng rãi với hàng chục cái bàn, tôi bị choáng ngợp bởi lượng đồ ăn được trình bày ngồn ngộn ở quầy. Đó là những cái thau chất đầy xương bò bự “tổ chảng" được đặt phía trước quán, là nồi nước lèo to đùng, là những phần đuôi bò, nạm, sách bò, bò viên, gân, sườn bò… đầy ụ được để trong những cái khay.
Thấy tôi, bà chủ niềm nở tiếp đón. Sẵn dịp, tôi tranh thủ hỏi thăm về lời đồn vang danh của quán ăn này. “Có thiệt ngày quán mình bán 2 - 3 con bò như người ta nói không cô?”, nghe tôi hỏi, bà chủ cười cười, nói:
Hồi trước dịch, khách đông lắm. Sau dịch lượng khách càng đông hơn vì ở Gò Vấp này cư dân đông mà. Có mấy ngày kỷ lục, quán tôi bán được lượng xương, thịt ước chừng 2 - 3 con bò là thật. Nhưng giờ kinh tế khó khăn, cao điểm mỗi ngày chỉ bán ra chừng 1 con bò thôi!
Bà Liên, Chủ quán
Phở ở đây từ 45.000 - 70.000 đồng.
CAO AN BIÊN
Nghe bà chủ nói xong, tôi cũng có phần bất ngờ. Nhưng nhìn vào lượng khách đều đặn, nhìn vào lượng đồ ăn được trưng bày và cả thời gian bán của quán, tôi tin những điều bà chủ nói là đúng.
Nhiều khách quen gọi vui quán ăn này chục năm… không đóng cửa, cũng là có lý do. Theo bà Liên, hơn chục năm nay gia đình bà quyết định bán liên tục không nghỉ giờ nào trong ngày, khách tới ăn phở giờ nào quán cũng bán để phục vụ cho nhu cầu của khách. Trước đó, cũng như đa số hàng quán khác, bà chỉ bán từ sáng tới 0 giờ là nghỉ.
[CLIP]: Quán phở ở TP.HCM mở bán 24/24.
Tuy nhiên, để bán được như vậy, bà cùng người thân, nhân viên phải chia ca ra thì mới đảm bảo được sức khỏe buôn bán lâu dài. Tới nay, ai nấy đều đã quen.
Công thức nấu từ đời bà ngoại
Ở đây, mỗi phần phở có giá dao động từ 45.000 đồng - 70.000 đồng, tùy nhu cầu của khách. Bà chủ khẳng định khách đến quán muốn ăn gì, bà và nhân viên sẽ cố gắng chiều tối đa.
Đang đói, tôi liền gọi một phần phở đặc biệt giá 70.000 đồng với đủ các thành phần. Bên cạnh các thành phần trong con bò tươi ngon, tôi thích nhất là nước lèo đục nhưng đậm đà, tôi cam đoan rằng bà chủ dùng nước hầm xương được ninh trong nhiều giờ mới có thể ra được hương vị này. Cá nhân tôi, chấm 8/10 cho hương vị tổng hòa của tô phở ở quán.
Đồng tình với tôi, anh Hòa (37 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), là khách ruột của quán cũng nói nước lèo của quán phở này là điểm cộng lớn. Vì nhà gần, mỗi tuần anh thường cùng vợ ghé đây ăn 2 - 3 lần, vậy mà ăn được 3 năm nay, từ hồi chuyển nhà đến đây. Bên cạnh không gian quán thoáng mát và nhìn cách làm phở sạch sẽ, anh còn thích sự nhiệt tình, thân thiện của nhân viên cũng như bà chủ.
Chính nước lèo và sự hài hòa trong các nguyên liệu, là niềm tự hào của bà chủ. Nhưng với bà, điều quan trọng để làm nên một tô phở ngon chính là “cái tâm” của người bán phải đặt vào trong đó.
Nếu nấu mà không có tâm, thì dù công thức có ngon cỡ nào cũng vậy. Với tôi, khách tới đây ăn không phải chỉ có mối quan hệ giữa chủ quán và thực khách, mà sau tô phở còn là tình cảm của mọi người với nhau. Đó mới là điều gắn kết quán với nhiều khách suốt mấy chục năm qua.
Bà Liên, Chủ quán
Kể với chúng tôi, bà Liên nói rằng bà ngoại của bà năm 1932 đã từ Bắc vào Sài Gòn sinh sống, làm ăn. Sau này, cụ bà mở quán phở, nấu theo công thức truyền thống của gia đình. Rồi, bà ngoại của bà mất ở tuổi 70 để lại cho mẹ bà quán phở cùng công thức.
“Có thời, gia đình tôi mở cũng mười mấy quán ở Sài Gòn chứ không ít. Nhưng vì không thể quản lý được hết nên giảm giờ còn 2 quán thôi. Hơn 30 năm trước, theo lời khuyên của gia đình, tôi mới từ Hải Phòng vào đây buôn bán, kế thừa quán ăn của mẹ. Ban đầu cũng không thích nghề này nhưng làm rồi thích, rồi yêu luôn lúc nào không hay", bà chủ nói.
Giờ đây, quán ăn đã trở thành niềm tự hào của bà Liên. Bà hạnh phúc khi mỗi ngày được cùng chị gái duy trì quán phở của bà ngoại, của mẹ cũng như được đón tiếp những thực khách của mình.