Câu chuyện về xe mì người Hoa của gia đình anh Hồ Thắng Chí (40 tuổi) nép mình trong khu chợ Xã Tây (Q.5, TP.HCM) khiến nhiều người xúc động.
Ký ức một tiệm mì
17 giờ, tôi hòa vào dòng xe, từ cơ quan trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày đầu tuần làm việc. Tiện đường, tôi chạy xe vào đường Phù Đổng Thiên Vương, ghé chợ Xã Tây tìm tới quán mì của gia đình anh Chí, tôi từng ăn qua trong một lần cùng bạn khám phá khu Chợ Lớn.
Màn đêm dần buông xuống, cũng là lúc nhiều hộ buôn bán quán ăn, uống ở đây lên đèn. Đa phần, là các quán bán món mang hương vị đặc trưng người Hoa, không khí "khu ẩm thực" nho nhỏ này vô cùng sôi động.
Xe mì của anh Chí bình dị, nép mình một góc chợ Xã Tây. Phía trước, là dòng chữ "Tuyền Ký" nhuốm màu thời gian để khách nhận ra đây là tên của tiệm mì đã truyền qua 3 đời chủ.
Thực đơn quán đa dạng, mới toanh, in chữ tiếng Việt lẫn chữ tiếng Hoa: bánh xếp hoành thánh, hủ tiếu mì cá, cá viên đậu hũ, bún mì vàng, mì ý, lago sườn kho, bò kho cà ri… Anh chủ cho biết ở đây, giá của các món ăn từ 50.000 đồng.
Mới mở cửa, xe mì đều đặn khách. Quán chỉ có 3 người, gồm 2 người phụ nữ tóc đã điểm bạc cùng anh Chí, chủ quán. Hỏi ra mới biết, đó là bà Liên (70 tuổi) và bà Ling (67 tuổi) đều đã phụ gia đình anh Chí buôn bán ngót nghét 4 thập kỷ.
Tâm sự với chúng tôi, bà Ling cho biết mình là hàng xóm của ba anh Chí - ông Hồ Tô Hà. Năm 1977, bà đã phụ gia đình anh bán mì rồi xem xe mì này giống như ngôi nhà thứ 2 của mình.
“Xe mì này được cha ông Hà bán trước năm 1975, cũng ở khu vực chợ Xã Tây này. Sau ông cụ mất, gia đình ông Hà mới kế thừa, buôn bán, có tôi và bà Liên cùng phụ việc”, bà trầm ngâm nhớ lại rồi kể cho tôi nghe biến cố của gia đình ông Hà.
Theo đó, ông có 3 người con, 2 trai, 1 gái. Năm 1996, một người con gái của ông mất do tai nạn, năm 1997, ông Hà cũng đau đớn khi con trai của ông cũng qua đời. Vậy là ông còn mỗi anh Chí, một người con khờ, không được năng động, hoạt bát như mọi người.
Năm 1998, ông qua đời, để lại xe mì cho mẹ con anh Chí buôn bán cùng 2 người phụ việc. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua cho tới năm 2019, mẹ anh Chí cũng mất, gia đình còn mỗi mình anh. Thế nhưng, một mình anh Chí khó lòng kế thừa được sản nghiệp của gia đình.
Nhà còn mỗi Chí, tôi và bà Liên cũng không đành lòng bỏ xe mì đã gắn bó hơn nửa cuộc đời nên vẫn tiếp tục bán, bán đến khi nào chúng tôi không còn sức bán thì thôi. Chứ bỏ đi thì uống lắm, uống cái xe mì biết bao nhiêu đời người, bao nhiêu con người gây dựng...
Bà Ling, Phụ quán
Khách thương, ghé ủng hộ hoài
Xe mì bán từ 17 giờ tới 23 giờ đêm bắt đầu dọn dần. Hỏi sao không bán thêm buổi sáng hay trưa, thì bà Ling cười nói rằng giờ 2 bà cũng đã già, không còn sức để bán cả ngày. Mỗi ngày, cả 3 người trong tiệm dành thời thời gian chuẩn bị món. Tới giờ đón khách, bà Liên thì làm món, mà Ling thì tiếp khách, thu chi, anh Chí thì phụ mấy công việc lặt vật. Vậy mà ai cũng quen việc suốt mấy năm nay.
Tôi gọi một tô mì thập cẩm quen thuộc, bà Liên nhanh tay làm. Chưa đầy 3 phút, tô mì nóng hôi hổi đã được dọn trước mặt tôi. Tô mì nhìn đơn giản với sợi mì vàng óng, nước lèo trong veo ăn cùng tôm, bò viên, gân heo, cật, đậu hủ… Rắc thêm một ít tiêu lên trên cho bừng vị, ăn cùng nước chấm "bí truyền" của quán đủ no bụng cho cả buổi tối.
[CLIP]: Xe mì người Hoa ở chợ Xã Tây: 2 cô phụ việc 'cậu chủ khờ'
Điều tôi thích nhất ở đây, chính là phần nước lèo ngọt thanh, các nguyên liệu đều tươi ngon, nhất là sợi mì đúng kiểu truyền thống của người Hoa. Về phần hương vị, tôi chấm 8/10. Sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời nếu vừa ăn mì ở đây, vừa phóng tầm mắt ra đường theo dõi cuộc sống nhộn nhịp của khu người Hoa lớn nhất ở TP.HCM.
Ông Trần Đại (53 tuổi, ngụ Q.5) cho biết mình đã ăn ở quán này từ hồi cha của anh Chí còn bán. Đồng tình với tôi, ông nói rằng vị mì ở đây ngon, vừa miệng, nên tuần nào ông cũng ghé đây ăn, lắm lúc mua mang về cho người thân.
“Thương lắm! Cả nhà giờ còn mỗi chú Chí này thôi, sống một mình vậy đó. Hồi đó cả nhà bán với nhau, vui lắm. Không biết xe mì này rồi sẽ ra sao, nhưng còn bán là tôi còn ủng hộ", vị khách nhìn vào xe mì phía trước, tâm sự.
Dù không năng động như người khác, nhưng anh Chí vẫn rất lành tính và thân thiện với mọi vị khách ghé tiệm mì. Bà Ling tâm sự rằng xe mì giờ đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Niềm hạnh phúc của bà mỗi ngày, vẫn là được nấu ăn, phục vụ khách, đỏ lửa ở xe mì suốt cả tuổi trẻ mình gắn bó…