Với phần ăn rẻ nhất 15.000 đồng, nhiều khách mua cơm tấm của bà Oanh (62 tuổi, ngụ TP.HCM) bình chọn đây là cơm tấm 'rẻ nhất' TP.HCM.

Bà chủ cho biết xe cơm tấm của bà có thâm niên gần 30 năm nay, với công thức "học lỏm" từ hồi còn trẻ đi phụ quán.

"Học lỏm" cách nấu cơm

Thời 'bão giá', công việc, kinh tế gặp khó, người người không còn dư giả tiền bạc thì việc tìm kiếm một quán ăn, món ngon bình dân vừa túi tiền ở TP.HCM cũng thật "đỏ con mắt". Thế nhưng ở thành phố mà hàng quán đông đúc, nếu chịu khó một chút vẫn có những hàng quán vừa túi tiền của bạn. 

Buổi sáng,  ngang qua đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TP.HCM), tôi cảm nhận hết cái không khí rộn ràng, náo nhiệt của buổi sớm mai khi san sát những hàng quán bán đồ ăn, đồ uống thơm nức "con đường ẩm thực" có tiếng này. Nhiều người đi học, đi làm, tiện thể tìm một chỗ ăn sáng ưa thích để bắt đầu một ngày mới.

 3 tiếng hết, khách ăn ngày… 'đau ví' - Ảnh 1.

Bà Oanh bán cơm tấm gần 30 năm nay.

CAO AN BIÊN

Xe cơm tấm của bà Oanh cũng nép một góc trên con đường này, bắt mắt và mùi thơm của cơm, thịt nướng cứ nhè nhẹ. Xung quanh, là những vị khách quen ghé xe cơm gọi món yêu thích rồi mang đi. Bà chủ thì tất bật làm theo đúng ý của khách để không ai phải chờ đợi lâu, kịp giờ đi làm, đi học.

5 giờ sáng, xe cơm đã có mặt ở đây. Bà chủ cho biết thường, bà bán tới 8 giờ sáng là hết sạch. Theo lời kể của bà Oanh, bà bắt đầu bán cơm tấm gần 30 năm trước để có tiền nuôi con, trang trải kinh tế trong gia đình. Giờ đây, khi các con đã lớn và có cuộc sống riêng, đây là “chén cơm" để bà tự nuôi thân mà không phải lệ thuộc vào con cháu.

“Hồi trẻ, tôi bán cơm phụ người ta, cũng mấy năm chứ không ít. Nhờ vậy mà tôi học được công thức, cách nấu cơm tấm làm sao cho ngon. Sau này, tôi mới tự mở xe cơm riêng, may mắn được khách ăn ủng hộ. Tôi tự tin món nào làm cũng ngon, vì nó làm từ cái tâm của mình. Làm bằng tấm lòng thì mọi thứ nó sẽ ngon!", bà chủ cười hiền hậu.

 3 tiếng hết, khách ăn ngày… 'đau ví' - Ảnh 2.

Phần cơm tấm giá 30.000 đồng.

CAO AN BIÊN

[CLIP]: Xe cơm tấm 15.000 đồng với cái giá được cho là "rẻ nhất" TP.HCM

Ở đây, mỗi phần cơm của bà Oanh có giá 20.000 đồng trở lên, tùy theo nhu cầu của khách. Tuy nhiên, bà nói mình vẫn bán món cơm sườn có giá 15.000 đồng dành cho khách, nhất là các em học sinh, sinh viên hay những người lao động khó khăn.

Thời điểm này, giá gạo tăng, các nguyên phụ liệu cũng tăng nhưng bà chủ thì vẫn giữ giá cũ suốt bao năm nay. “Mình bán rẻ để người lao động, học sinh các cháu nó mua được phần cơm ăn sáng, chứ bán mắc quá ai dám mua. Rẻ thì rẻ, nhưng làm cũng phải chất lượng. Tôi bán không lời nhiều, nhưng lấy công, lấy số lượng làm lời, đủ sống", bà Oanh thật tình nói thêm.

Quán dành cho những ngày… "đau ví"

Bà Thu (67 tuổi) sáng nay cũng ghé xe cơm của bà Oanh mua, như thường lệ. Vị khách cho biết mình là "mối ruột" ở đây suốt mấy chục năm nay, từ hồi con bà còn nhỏ nay đã khôn lớn, trưởng thành.

“Không chỉ riêng tôi mà cả nhà tôi, nhất là mấy đứa con ai cũng thích cơm tấm ở đây hết, giá cả thì bình dân mà hợp khẩu vị. Nhà gần đây, nên tuần nào tôi cũng ghé, ít thì 2 - 3 ngày, nhiều thì ngày cũng mua. Giờ kiếm quán ngon mà giá cả rẻ như vậy cũng không phải dễ", bà Thu nhận xét.

 3 tiếng hết, khách ăn ngày… 'đau ví' - Ảnh 4.

15.000 đồng/phần cơm, bà chủ cũng vui vẻ bán cho khách.

CAO AN BIÊN

Anh Hồ Minh Hùng (20 tuổi, ngụ Q.4) cho biết mình ăn ở quán của bà Oanh cũng hơn 1 năm nay, từ hồi chuyển đến một khu trọ gần khu vực này sống để tiện cho việc đi học. Anh Hùng cho biết đường Đoàn Văn Bơ này là “thiên đường đồ ăn", trong nhiều sự lựa chọn chàng trai vẫn thường ghé quán bà Oanh, nhất là những ngày “đau ví".

“Quán cô bán rẻ, mấy ngày cuối tháng, ngày nào mình cũng ghé cô mua, khi thì phần cơm 15.000 đồng, khi thì phần 20.000 đồng. Cô vui vẻ và nhiệt tình bán cho mình. Ở Sài Gòn kiếm quán như vậy cũng khó đó", vị khách nói thêm.

Tôi mua một phần cơm tấm giá 30.000 đồng, với sườn, trứng và chả đều do tự tay bà chủ làm. Cơm tấm ăn kèm miếng sườn được ướp đậm đà ăn cùng với trứng kho, chả kèm đồ chua, dưa leo, tóp mỡ, hành phi thêm một chút nước mắm chua ngọt thiệt là "hết sẩy". Đánh giá về hương vị kèm giá cả, tôi chấm 8/10, đáng để ăn qua và xứng đáng trở thành "quán ruột" của nhiều khách.

 3 tiếng hết, khách ăn ngày… 'đau ví' - Ảnh 5.

Sườn được ướp đậm đà.

CAO AN BIÊN

Bà Oanh cho biết mỗi ngày, mình phải thức dậy lúc 2 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ, sao cho kịp 5 giờ đi bán. Bà không thấy mệt vì đã quen, ngược lại còn cảm thấy hạnh phúc khi được mang những phần ăn tâm huyết, giá bình dân đến với những vị khách thân thương của mình.


Bình luận