Quán ăn "bò inox" của bà Thái Thái Phượng (67 tuổi) nằm ở căn nhà mặt tiền đường Châu Văn Liêm (Q.5, TP.HCM), có tuổi đời ngót nghét gần nửa thế kỷ.
Vì sao là 'bò inox'?
Tôi tìm gặp bà Phượng vào một buổi trưa TP.HCM nắng gắt, khách đều đặn tới quán dùng bữa. Gặp tôi, bà chủ niềm nở tiếp chuyện, trong lúc người thân vẫn tất bật làm món phục vụ cho thực khách.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về quán ăn này, chính là tên gọi "bò inox" độc, lạ trên biển hiệu trước quán cũng được làm bằng… inox. Bên trong quán, là hàng chục cái bàn, ghế cũng bằng inox sáng loáng. Ngay lập tức, tôi đem thắc mắc này, hỏi bà chủ.
Từ tốn, người phụ nữ gốc Hoa kể lại sở dĩ nhiều thứ trong quán được làm từ inox xuất phát từ sở thích đặc biệt của người cha quá cố, cụ Thái Xuân (qua đời năm 1996, thọ 73 tuổi).
“Cha tôi hồi còn sống, ổng thích inox lắm, làm được bao nhiêu cha cũng mua đồ bằng inox về dùng, sưu tầm. Người ta gọi là dân chơi inox luôn. Mà hồi xưa đâu có phổ biến như bây giờ, giá của mấy đồ inox cũng đắt đỏ lắm. Ông mê inox tới mức khi mẹ tôi mất năm 1992, lư hương hay chân đèn ông cũng chế tác từ đồ inox để thờ phụng mẹ...", bà kể.
Bà chủ tiếp lời, cho biết năm 1976, lúc nhà còn nằm sát bưu điện trung tâm Chợ Lớn, bà Phượng mở quán bán cháo và cà phê để mưu sinh; cha bà phụ bán. Sau đó, bà mới chuyển qua bán trứng ốp la (ăn kèm pate, chả và bánh mì). Quán ăn nên làm ra, bà Phượng nói rằng thời điểm đó khách ăn đông nghẹt, có ngày phải xếp hàng.
Chỉ vào 2 cái bàn inox dài, sáng choang được đặt trong cùng ở quán, bà Phượng cho biết đó là 2 cái bàn cha bà mua và vẫn được gia đình gìn giữ cẩn thận cho tới tận bây giờ. Từ sở thích inox của cha, toàn bộ bàn ghế ở quán cũng bằng inox từ đó tới nay không đổi.
Bà Phượng cũng nói thêm, hiện tại 2 chiếc bàn inox của cha sẽ được dùng để phục vụ khách ngồi những ngày cuối tuần khi quán đông đúc.
Nhiều khách ăn 'mấy chục năm'
Nói về tình hình kinh doanh của quán hiện tại, bà chủ cho biết không còn được như xưa khi hàng quán "mọc" lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bà vẫn hạnh phúc khi mỗi ngày được phục vụ những phần ăn tâm huyết của mình tới thực khách xa gần.
Ngày mới bán, bà chủ cho biết chỉ bán món ốp la. Nhưng sau này, để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách, số lượng món tăng lên hơn chục. Hiện, giá món ăn rẻ nhất ở quán là món ốp la giá 55.000 đồng. Đắt nhất là món bò bít tết giá 90.000 đồng. Ngoài ra, quán cũng bán thêm các món như mì Ý, nui xào bò…
Giá "chát", nhưng bà chủ quan niệm tiền nào của nấy, thực khách sẽ không hối hận khi bỏ tiền mua món ăn ở quán mình. Chị Thủy (ngụ Q.8) trưa nay cùng chồng đến quán của bà Phượng ăn. Chị cho biết mình là khách ở đây từ hồi 30 năm trước, khi được cha dẫn tới ăn.
“Kể từ đó, nơi đây trở thành quán quen của tôi luôn. Sau này, tôi có chồng, tôi cũng dẫn anh tới đây ăn, cũng 20 năm rồi. Món ăn ở đây ngon, hợp khẩu vị, thích nhất là thịt bò vô cùng tươi và giữ được độ ẩm, không giống với những chỗ khác tôi từng ăn. Có dịp là vợ chồng tôi qua đây. Quán ăn cũng là ký ức của tôi với cha mình!", nữ thực khách nói thêm.
Giá món ăn ở đây dao động từ 55.000 - 90.000 đồng.
CAO AN BIÊN
Nhờ quán ăn này, bà Phượng nuôi 3 con khôn lớn, thành tài. Giờ 2 người con của bà đang sống và làm việc ở Mỹ, người con trai còn lại thì cùng vợ kế thừa, phát triển quán ăn của mẹ. Hồi trước, quán bán 2 buổi sáng chiều, nhưng nhiều năm nay chỉ bán từ 6 giờ - 13 giờ mỗi ngày, vì sức khỏe của bà không còn tốt như xưa.
“Nghỉ bán thì không đành, vì quán ăn là công sức, là cả cuộc đời mình gây dựng mà. Dù buôn bán khó khăn, không còn đông khách như xưa nhưng tôi vui vì mỗi ngày được gặp khách, được cùng các con cháu, chị em trong nhà nấu nướng. Nhìn chiếc bàn inox, tôi lại nhớ về cha mình…”, bà bày tỏ.