Đó là xe bánh mì của vợ chồng chị Trương Thị Thảo Ly (36 tuổi) nằm trong con hẻm 283 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM) yên bình. Sáng sáng, xe bánh mì được đông đảo khách ủng hộ, hết lượt này tới lượt khách khác chờ mua.
Bí quyết "có một không hai"
Trước đó, tôi vô tình biết tới xe bánh mì của vợ chồng chị Thảo Ly, khi có một người bạn là ảo thuật gia từ Hà Nội vào TP.HCM công tác, vô tình mua bánh mì ở đây. Anh bạn tôi ăn chay trường nhiều năm nay, dành lời khen không ngớt cho tiệm bánh mì này:
Bánh mì ở đây ngon quá, không biết họ làm thế nào? Nó khác với những chỗ anh từng ăn qua. Khi về chắc chắn anh sẽ mua mang về Hà Nội cho mẹ...
Thực khách
Nghe tới đây, tôi thực sự tò mò và tự hỏi rằng, liệu một tiệm bánh mì ở TP.HCM có gì mà lại gây ấn tượng đặc biệt với một người Hà Nội tới vậy. Đó cũng là lý do tôi hỏi bằng được địa chỉ, một buổi sáng đầu tuần tìm tới ăn bánh mì chị Thảo Ly.
Đầu tuần, khách tới mua đông, đặc biệt khung giờ "cao điểm" người người đến cơ quan đi làm, tiện thể ghé mua một phần ăn sáng lót dạ. Chị chủ bán từ 6 giờ tới 10 giờ 30 phút sáng, về trưa, khách vơi bớt, cũng là lúc chị có thời gian để trò chuyện cùng tôi.
Lẽ ra, hôm nay sẽ có chồng chị bán cùng như thường ngày, nếu anh không có việc đột xuất. Điều đầu tiên tôi ấn tượng khi tới đây, chính là chị chủ xinh đẹp lúc nào cũng tươi cười, niềm nở tiếp chuyện với khách. Có thế nào tôi cũng khó lòng tưởng tượng được, chị đã 36 tuổi, bởi ngoại hình trẻ trung.
“Nói chị 24, 25 tuổi em vẫn tin!”, tôi bắt đầu câu chuyện, chị chủ cười tươi. Chị Ly kể học đại học xong, ra trường, chị có 5 năm làm kế toán. Sau đó, chị lấy chồng. Anh thì mở salon tóc, chị thì làm nghề trang điểm vun vén cuộc sống và nuôi 2 con.
[CLIP]: Bánh mì chay có 'sườn khìa' độc lạ: Chị chủ xinh đẹp ăn chay 12 năm.
Xe bánh mì này được chị mở hơn 1 năm trước, trước tiệm tóc của vợ chồng chị với mong muốn có thêm thu nhập để trang trải các chi phí trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ ở quê cũng như với mong muốn được mang những phần ăn chay tâm huyết của mình tới thực khách. May mắn là từ những ngày đầu tiên, nhiều khách đã ghé ủng hộ.
“Ban đầu, mình đi ăn nhiều quán bánh mì chay được nhiều người biết tới để xem họ làm thế nào. Sau đó, bên cạnh những phần bì, chả, đồ chua, rau sống, pate… cơ bản có trong ổ bánh mì, mình và gia đình cũng nghĩ ra thêm một thành phần đặc biệt là sườn khìa (làm từ sườn non lúa mạch chay), được làm theo công thức riêng để tạo nên cái riêng cho mình", chị chia sẻ.
2 vợ chồng cùng ăn chay
Không phải ai cũng biết, chị Ly và chồng đã ăn chay 12 năm nay. Họ cho biết đã nên duyên, gắn kết với nhau, một phần nhờ việc cùng ăn chay trường. Chị chủ tâm sự trừ 2 con của chị, cả gia đình của mình gồm vợ chồng anh chị và cha mẹ chị ở quê Đà Nẵng đều là người ăn chay.
“Mình và gia đình ăn chay không phải vì mục đích gì cao xa cả, đơn giản vì sức khỏe, vì những thay đổi trong nhận thức, quan điểm khiến bản thân mình không muốn ăn mặn nữa. Mình vui vì mỗi ngày mang những phần bánh mì chay tâm huyết tới thực khách ghé ủng hộ", chị nói thêm.
Chị Nguyễn Thu Thủy (30 tuổi) cùng đồng nghiệp ghé xe mì của chị Ly, cho biết mình là “mối ruột" ở đây hơn nửa năm nay. Nhà ở TP.Thủ Đức nhưng làm việc ở Q.10, mỗi tuần, chị Thủy nói rằng mình mua bánh mì ở đây 2 - 3 ngày.
“Mình biết tới quán thông qua lời giới thiệu của một người bạn ăn chay trường. Từ lần ăn đầu tiên, mình đã thấy thích hương vị bánh mì ở đây nên thường ghé ủng hộ. Mình không phải người ăn chay, chỉ đơn giản là thấy ngon nên mua thôi. Chị chủ cũng nhiệt tình, vui vẻ nữa, mình sẽ ủng hộ dài dài", chị nói rồi vui vẻ mang bánh mì về cơ quan.
Mỗi phần bánh mì ở quán chị Ly có giá 20.000 đồng, khách có thể ăn hơn tùy nhu cầu. Với mức giá vừa phải, cũng là lý do để anh Hùng (34 tuổi, ngụ Q.3) thường xuyên ghé đây mua ăn khi tiện đường đi làm.
Mỗi ngày, chị Ly hạnh phúc khi mỗi sáng được bán bánh mì, buổi chiều tối thì tất bật với công việc của một thợ trang điểm. Sau đó, chị tiếp tục đi chợ, chuẩn bị cho buổi bán ngày hôm sau. Niềm vui của chị chủ là thấy khách hài lòng với món ăn mình làm…