Trong cái nắng ngày đầu hạ, nhiều du khách đến đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) sau khi thỏa thích với làn nước biển mát lành và thưởng ngoạn phong cảnh nước non hữu tình... thì không quên tìm mua bằng được một ít “mầm đá” từ biển cả.
Du khách phương xa lần đầu nghe tên gọi “mầm đá” có lẽ sẽ ngơ ngác, nhưng với người dân xứ đảo Cù Lao Chàm lại khá quen thuộc, bởi chính họ đã đặt tên cho mứt biển là “mầm đá” hoặc “rau đá”. Cứ đến mùa mứt biển, ngư dân xứ đảo tranh thủ dậy sớm, lúc trời còn đẫm hơi sương, giong thuyền tới những mỏm đá phía sau đảo, họ đi dọc theo bờ đá, quan sát nơi nào có mứt biển để thu hoạch.
Mứt biển là một loại rong biển thường mọc trên sườn đá cheo leo, nhiều hang hốc trơn trượt, chỉ cần bất cẩn sẩy chân là rất dễ gặp tai nạn. Với du khách thập phương, mứt biển là món quà thơm thảo vì mọc giữa sóng biển trong lành, được nắng, gió, nước biển nuôi dưỡng, được ngư dân bỏ công sức hái về. Đặc biệt, mứt biển không chỉ sạch mà có tính mát, thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường, giàu dinh dưỡng…
Nếu so sánh mứt biển với các loại hải sản, đặc sản khác quả thật là khập khiễng, bởi mứt biển mang màu sắc riêng. Đám trẻ con xứ biển suốt ngày đầu trần, chân đất lặn lội ngoài biển nhờ nồi cháo mứt biển mà vẫn tươi da thắm thịt. Người già nhức mỏi tay chân vẫn ngon lành giấc ngủ trưa đấy là do mới được tẩm bổ bởi mứt biển xào nấm rơm, thịt băm… Ngoài ra, mứt biển được biến tấu thành nhiều món độc đáo như gỏi, trộn hay chiên. Tuy nhiên, món canh mứt biển ngào ngạt thơm vẫn được say mê nhất.
Nhìn chén canh mứt biển dân dã với màu xanh hiền dịu, mát lành, ta không nỡ vội vàng mà cứ chậm rãi thong dong thưởng thức
Tuy “nảy mầm” trên đá nhưng “bản tính” mứt biển khá hiền lành, phù hợp với mọi thể trạng và đặc biệt “dễ tính” khi phối nguyên liệu. Người ưa đậm đà có thể nấu canh mứt biển với tôm, thịt. Người thích nhẹ lành nấu canh mứt biển với nấm. Các món canh mứt biển không kén chọn người nấu bởi rất đơn giản nhưng ngọt vị, thơm nước, bắt mắt người thưởng thức từ cái nhìn đầu tiên. Nhâm nhi từng cọng mứt biển như nghe mùi bọt sóng, mùi biển khơi, mùi của những tảng đá ẩm ướt. Đó là vị đặc trưng, độc đáo, làm nên bản sắc không thể lẫn của canh mứt biển.
Mứt biển mang về, chỉ cần rửa qua nước lạnh vài dạo xả chất mặn rồi để ráo là có thể chế biến được. Nếu nấu canh tôm thịt thì nên sơ chế rồi ướp tôm thịt thấm gia vị trước khi nấu cùng mứt biển. Riêng canh mứt biển nấu nấm, chỉ cần phi dầu với tỏi cho thơm rồi trút nấm vào đảo nhẹ, thêm một lượng nước vừa đủ dùng vào nồi. Nồi nước canh sôi, nêm nếm tùy khẩu vị rồi mới thêm mứt biển vào nấu chừng dăm phút thì tắt bếp. Lúc này, chỉ cần rắc một ít ngò và tiêu nữa là có thể thưởng thức.
Nhìn chén canh mứt biển dân dã với màu xanh hiền dịu, mát lành, ta không nỡ vội vàng mà cứ chậm rãi thong dong thưởng thức. Đấy chính là lúc cảm nhận được vị ngọt thanh tao đang tiết ra dần trên từng sợi mứt biển, mềm mềm sừn sựt. Khi ấy, lòng rưng rức nghĩ đến những người ngày ngày cặm cụi, kiên nhẫn, bám chặt chân vào đá, cố hoàn thành sứ mệnh mang lộc biển về cho du khách bốn phương. Thế mới hiểu tại sao với nhiều du khách, mỗi khi đến Cù Lao Chàm phải tìm mua bằng được một ít mứt biển - “mầm đá” nơi đầu sóng ngọn gió.