Tát đìa bắt cá đồng sau mùa lúa là nét văn hóa độc đáo của người miền Tây nói chung và người Cà Mau nói riêng. Đặc biệt, về quê chơi ngày tết đúng dịp tát đìa thì giống như "trúng số", vì được tham gia bắt cá, ăn con cá lóc lớn nhất nướng trui, "lai rai" tại chỗ...
Nhà có cái đìa, dịp tết, anh Đào Việt Triều (ngụ ấp 1, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) rủ bạn bè, đồng nghiệp về tát đìa. Gia đình anh chuẩn bị máy bơm, xô, thau, rổ… chờ đìa cạn nước, lội xuống bắt cá.
Ông Tư Chiến (ba của anh Triều) cho biết, trước đây cá đồng nhiều vô số, nhà nào tát đìa thu hoạch cá nhiều cho cả xóm ăn tết. "Hồi trước, cá dữ lắm. Một cái đìa có thể thu hoạch từ 100 - 200 kg cá. Chủ đìa bắt sơ qua lượt hết cá lớn rồi cho hàng xóm bắt cá hôi nên một nhà tát đìa cả xóm cùng ăn. Nghe tát đìa là bà con đến đông vui lắm. Lúc nào chủ đìa cũng chừa lại số cá nhỏ để làm giống cho mùa sau", ông Tư Chiến kể lại.
Khi nước cạn dần cũng là lúc mặt đìa lục sục bọt khí của những con cá đang ngoi lên do mắc cạn. Thế là mọi người nhanh chân xuống đìa bắt cá kịp trời nắng lên. Những con cá lóc, cá trê trắng, cá trê vàng, cá rô, cá thác lác... lần lượt được đưa vào thùng.
Tát đìa xong, chủ đìa chọn vài con cá lóc lớn nhất đem nướng trui bằng rơm. Khi rơm cháy hết cũng là lúc cá chín, chỉ cần gạt sơ lớp vảy cá dính bụi than bên ngoài sẽ được tận hưởng thịt cá trắng, thơm...
Chủ đìa đãi khách theo kiểu dân dã, lấy lá chuối làm mâm, bày cá nướng lên, tất cả ngồi quây quần bên nhau. Mấy con cá nướng trui còn nóng, từng lớp thịt chín trắng chấm muối ớt khiến những ai một lần được thưởng thức khó thể nào quên. Mấy ngày tết ngán thịt mỡ thì món cá lóc nướng trui thì "đúng bài".