"Khách đông không tưởng tượng được!"
Một buổi tối giữa tuần, tiện đường đi làm về, tôi ghé một quán cháo sò huyết trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) và khá "sốc" trước cảnh hàng chục cái bàn trong quán ăn khách ngồi kín mít, dòng khách đang đợi bên ngoài khá dài.
[CLIP]: Quán có lúc kín chỗ
Tôi tự hỏi: "Liệu quán cháo này có gì mà khách đông dữ vậy, dù chỉ là ngày giữa tuần, trong khi nhiều hàng quán tôi quen, ai cũng than khách không bằng những năm trước vì suy thoái kinh tế?”. Đem thắc mắc này, tôi hỏi một người làm việc ở quán, và nhận được câu trả lời bất ngờ hơn, vì hầu như tối nào, khách của quán cũng trong tình trạng đông đúc như vậy.
Anh Hồng Nam (27 tuổi) thường đưa bạn bè tới ăn cháo sò huyết vào buổi tối. Anh cho biết mình là khách “ruột" ở đây nhiều năm, vì mê cái cách nấu cháo mang đậm vị miền Tây của cô chủ.
“Thường, tối nào quán cũng đông khách tới ủng hộ, tôi cũng quen với cảnh này. Cháo cô nấu ngon lắm nha, cháo làm từ gạo rang nên vừa mềm vừa thơm. Ăn cháo sò huyết cùng những nguyên liệu khác cũng khá bổ dưỡng, nhà tôi cách đây không quá xa nên tuần nào cũng ghé ăn 3 - 4 lần", vị khách cho biết.
Ở quán, mỗi phần cháo có giá từ 45.000 - 80.000 đồng, tùy nhu cầu của khách. Bên cạnh món cháo sò huyết, bò bằm đặc trưng, khách cũng có thể ăn kèm với bào ngư, tôm, mực, sò điệp, cá lóc phi lê…
Tôi gọi một phần cháo sò huyết và một phần bò bằm ăn kèm, khi bụng đang đói cồn cào. Đúng như anh Nam giới thiệu, cách quán nấu cháo gợi cho tôi nhớ về miền Tây quê mình, hương vị đậm đà, nổi bật với mùi thơm từ gạo rang.
Thêm nữa, các nguyên liệu ở đây tươi ngon, tô cháo nóng hôi hổi được bỏ vào một chút hành lá, tiêu, hành tỏi phi ăn kèm rau sống và nước chấm đặc trưng, đúng là một sự phối hợp “hết sẩy".
Quán có thâm niên hơn 10 năm
CAO AN BIÊN
Cũng giống như tôi, chị Ngọc Thanh (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) lần đầu ghé quán này ăn vì tò mò không biết có gì mà khách xếp hàng dài phía trước quán. Thưởng thức xong tô cháo sò huyết, chị nhận xét từ nay sẽ trở thành “mối ruột" ở đây.
“Tôi ăn xong mới biết vì sao quán đông khách tới vậy, đông không tưởng tượng được luôn. Nổi bật nhất là nguyên liệu tươi. Cháo sò huyết là món bổ dưỡng. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do mà người ta đến đây ăn đông", chị Thanh nhìn khách trong quán, nhận xét.
Từ tình yêu dành cho cha…
Chủ quán cháo này, chính là bà Lê Thị Cúc (60 tuổi), một người phụ nữ quê miền Tây. Hơn 10 năm trước, bà mở quán cháo này ở TP.HCM, cũng chính bởi cơ duyên đặc biệt. Tâm sự với phóng viên, bà cho biết khi đó, mình từ quê Hậu Giang lên TP.HCM nuôi cha bị bệnh thận mãn tính.
Lúc đó, bà ở nhà của người anh ruột. Bình thường, bà hay nấu cháo sò huyết để bồi bổ cho cha vì đây là món ăn bổ dưỡng. Cũng từ đây, bà nảy ra ý định bán món ăn này, để có thêm thu nhập nuôi cha bệnh.
Quán cháo sò huyết của bà Cúc, ban đầu chỉ là một xe nhỏ ngoài vỉa hè. Nhờ tài nấu ăn ngon cũng duyên buôn bán, dần dà, xe cháo có một lượng khách ổn định. 3 năm sau, bà quyết định thuê luôn mặt bằng phía sau xe, là nhà của anh bà để quán rộng rãi cho khách ngồi, bán tới nay.
Bà chủ có 4 người con, một người hiện đang sống ở Mỹ, 3 người còn lại ở Việt Nam. Bà hạnh phúc vì gần một thập kỷ buôn bán, bà vẫn được khách yêu quý, ủng hộ, chính bởi cách buôn bán, làm ăn có tâm. Hiện giờ, quán cháo cũng được những người con của bà kế thừa, phụ giúp, khiến bà cảm thấy tự hào.
“Với tôi, cái nghề này cũng là cái nghiệp của mình, là tình yêu của mình rồi. Nghỉ bán là nhớ khách, nhớ nghề lắm. Tôi vẫn sẽ bán tới khi nào không còn sức thì thôi. Tôi tin khi mình buôn bán bằng cái tâm, thì sẽ nhận được sự ủng hộ và tình yêu thương từ khách", bà chủ tâm sự.