Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV chiều 25/7, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nêu ra 3 nguyên tắc chung để cả nước chống dịch COVID-19: Chống lây lan...

"Giai đoạn này chúng ta cần thiết theo nguyên tắc chung của cả nước để chống dịch. Theo tôi có 3 nguyên tắc: Nguyên tắc thứ nhất là chống lây lan tối đa; thứ hai là giảm tỷ lệ tử vong tối đa và thứ ba là đảm bảo phát triển kinh tế”, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Phân tích thêm cho điều này, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết, đối với nguyên tắc thứ ba, cần phải chia hệ thống chống dịch ra “3 tầng” giống như Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.

Đối với tầng thứ nhất, đấy là các bệnh viện dã chiến chăm sóc bệnh nhân F0, người nhiễm F0, người nhiễm không có triệu chứng nên nhiệm vụ là không bỏ sót các triệu chứng sớm khiến họ trở thành bệnh nhân thực sự. Chính vì vậy, cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt bảo đảm.

Nếu không được như vậy, ở những vùng dịch bùng phát có thể triển khai cách ly F0 tại nhà với các gói theo dõi ứng dụng khám chữa bệnh từ xa như đã và đang thực hiện ở Ấn Độ và mới đây là Myanmar. Những người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần được thực hiện gói chăm sóc như nhân viên y tế, điện thoại 2 ngày mỗi lần, sử dụng các App (ứng dụng điện thoại) chuyên dụng để tự nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và cách xử lý, video call các bác sỹ từ xa...

Mô hình "tháp 3 tầng" của Bộ Y tế đã điều trị thành công cho bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Giang 

Tầng 2 là tầng chúng ta đã triển khai rộng rãi từ nhiều năm nay, đó là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện điều trị các bệnh nhân mức độ vừa chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. Tuyến này cần nhất là đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo, hướng dẫn mà Bộ Y tế thường xuyên cập nhật. Cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm hay quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức chúng ta cần khẩn trương bổ sung cho tầng này máy oxy dòng cao, Monitoring theo dõi, thuốc men trong danh mục điều trị COVID-19.

Tầng 3 là tầng quan trọng nhất, đây là các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch, chúng ta cần khẩn trương hình thành các trung tâm này. Nơi đây chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO. Nguồn lực của cả Trung ương và địa phương cần tập trung vào đây để sao cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính. Ví dụ như ước tính 100.000 bệnh nhân COVID-19 thì phải chuẩn bị 5.000 giường ICU.

Mô hình điều trị mà ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề cập cũng giống với mô hình "tháp ba tầng" của Bộ Y tế đã áp dụng thành công ở Bắc Giang, Bắc Ninh và đang vận dụng tại TP.HCM. Tức là, bệnh nhân không triệu chứng được xếp vào khu vực "tầng 1" là các bệnh viện dã chiến để theo dõi; bệnh nhân nhẹ đưa vào khu vực "tầng 2" là các bệnh viện điều trị COVID-19 hoặc chuyển đổi công năng, điều trị theo triệu chứng; bệnh nhân nặng điều trị ở "tầng 3" là các bệnh viện chuyên sâu COVID-19 có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cao và đơn vị hồi sức tích cực (ICU).

Nên đọc

Hiệp Nguyễn H+


Bình luận