3 NHÀ TÌNH BÁO LỖI LẠC NHẤT CỦA CHÚNG TA ĐÃ VƯỢT QUA MÁY PHÁT HIỆN NÓI DỐI CỦA MỸ NHƯ THẾ NÀO ?
CIA Mỹ bắt đầu sử dụng máy phát hiện nói dối (Polygraph) ở Việt Nam từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước để khai thác thông tin từ tù binh, tù chính trị và “kiểm tra nội bộ” nhằm phát hiện các điệp viên của chúng ta cài cắm trong các cơ quan an ninh-tình báo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ.
Nguyên lý vận hành của Polygraph lúc bấy giờ đại khái là : đo các phản ứng sinh lý như nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, và độ dẫn điện của da (do tiết mồ hôi) khi người được kiểm tra trả lời các câu hỏi. CIA giả định rằng khi nói dối, người ta sẽ căng thẳng, các phản ứng sinh lý sẽ thay đổi, thay đổi càng lớn thì khả năng nói dối càng cao. Nhưng các chuyên gia CIA dày dạn kinh nghiệm không ngu để tin hoàn toàn vào máy. Họ còn thu thập mọi dữ liệu liên quan đến đối tượng để phát hiện mâu thuẫn và quan sát cả ánh mắt, thần sắc và những biểu hiện mà máy không đo được.
Trong 3 nhà tình báo lỗi lạc nhất của chúng ta mà tôi đã từng viết : Tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc), tướng Phạm Xuân Ẩn và đại tá Phạm Ngọc Thảo, các ông đã vượt qua máy phát hiện nói dối như thế nào ?
Ông Ba Quốc là nhà tình báo bị đối phương nghi ngờ nhiều nhất, nhưng ông vẫn được đảm nhận những vị trí quan trọng từ cơ quan Mật vụ khét tiếng của ông Trần Kim Tuyến thời Ngô Đình Diệm đến Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo thời Nguyễn Văn Thiệu. Vì bị nghi ngờ, nên sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, ông bị đưa vào máy phát hiện nói dối trước khi vào làm việc ở Phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Ông đủ bản lãnh và thông minh để xóa tan sự nghi ngờ của đối phương, còn máy phát hiện nói dối thì ông đã vượt qua một cách dễ dàng. Câu chuyện ông vượt qua máy phát hiện nói dối tôi đã đề cập trong cuốn sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”. Ông vượt qua dễ dàng vì ông dự lường trước những câu hỏi và “nhập vai” vào những tình huống gay cấn như một nghệ sĩ tài ba. Ông không hề coi thường đối phương, nhưng ông đứng cao hơn đối phương nên ông ung dung tự tại, chẳng có tình huống gay cấn nào khiến ông sợ hãi, chẳng có máy móc nào đo được sự thay đổi trong cơ thể ông. Tóm lại, máy phát hiện nói dối là vô tác dụng với những người ung dung tự tại. Ngày nay, máy phát hiện nói dối còn sử dụng AI với hiệu quả lớn hơn, nhưng nếu như thời đó có những cái máy như thế cũng hoàn toàn vô dụng.
Ông Phạm Xuân Ẩn thì không những không bị đối phương nghi ngờ mà khi lập Đặc ủy Trung ương Tình báo, bọn họ phải đến hỏi ý kiến ông nên không có thứ gì ở đó mà ông không biết. Ông không lấy cắp thứ gì của đối phương cả. Tài liệu tuyệt mật của chế độ Sài Gòn bọn họ đưa xe quân sự mang đến nhà ông để mời ông xem, hôm sau đưa xe quân sự đến mang về (đủ thời gian cho ông chụp hình, hihi). Còn tài liệu tuyệt mật của Mỹ thì các chuyên gia thảo ra các tài liệu ấy phải đưa cho ông xem để góp ý, nên ông biết những mưu đồ của họ từ trong trứng nước, khi tài liệu trở thành chính thức tất nhiên ông cũng có một bản được dâng tận tay. Ông viết báo Mỹ cũng tuyệt đối trung thực (sau này báo TIME đã xác nhận điều đó), trong những bài viết của ông không có một dòng nào “chống cộng” để lấy lòng Mỹ, nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn tuyên bố, “nếu Việt Nam cộng hòa có vài nhà báo như Phạm Xuân Ẩn thì sợ gì mất chế độ” hihi. Đến mức như vậy thì ai còn nghĩ đến dùng máy phát hiện nói dối đối với ông.
Còn ông Phạm Ngọc Thảo thì “lật ngửa bài” ngay từ đầu. Ông ngửa bài đến mức viết báo ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam chống Pháp, lên án các kế hoạch bình định của chế độ Ngô Đình Diệm, thả 2000 tù chính trị khi ông làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa. Dù như vậy, ông vẫn được các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến tin tưởng. Sau đảo chính 1963, ông tay không vẫn thu hút hàng loạt tướng tá của chế độ tiến hành cuộc đảo chính chấn động chính trường. Người Mỹ muốn thuyết phục ông đứng về phía họ còn không được thì nói gì đến máy phát hiện nói dối.
Kỳ niệm 50 năm ngày đất nước hòa bình thống nhất, chúng ta tưởng nhớ hàng triệu người đã hy sinh mà hầu hết đều ung dung tự tại ngẩng cao đầu, cùng với sự ung dung tự tại của các nhà tình báo lỗi lạc của chúng ta, không kẻ xâm lược nào có thể hiểu nổi, không kẻ phản bội nào có thể hiểu nổi.
HOÀNG HẢI VÂN
Gamnguyen
Xóa nhận xét
Bạn có chắc chắn muốn xóa nhận xét này không?
HỒNG HÀ
Xóa nhận xét
Bạn có chắc chắn muốn xóa nhận xét này không?
Lê Thương
Xóa nhận xét
Bạn có chắc chắn muốn xóa nhận xét này không?