Nick “Cô bé Anhang” gây chú ý cho mấy anh chàng muốn làm quen. Một anh đoán là Ánh Hằng. Nó nói tên em đâu mà lấp lánh dữ vậy anh. Anh khác phán là An Hằng. Nó thả tim cho anh này, vì An Hằng là… ăn hàng. Nó nói em mê ăn hàng từ nhỏ nên giờ môi vẫn… đỏ.
Khắp làng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) này có gần ba chục hàng bánh canh. Không hiểu nó lê la hết chưa mà dám nói bánh canh chị Ba ngọt thiếu ổn định, bánh canh cô Tư ngọt mỏng quá, bánh canh thím Năm ngọt chưa tới. Chỉ có bánh canh dì Tám là ngọt… vững bền. Hiểu sâu về bánh canh cỡ đó chỉ có thể gọi em tôi là nhà bánh canh học!
Bánh canh cũng thuộc loại dễ nấu, nhưng nấu cho ngon thì không dễ. Phải tìm hiểu kỹ từng loại gạo để khi ngâm, xay, nhào, nặn, xắt thành sợi sẽ cho ra những con bánh mềm đúng độ, dai đúng mức, dẻo đúng chuẩn. Thường thì các loại gạo Tám Xoan, Nàng Xuân, Mai Vàng… được ưa chuộng khi “hóa thân” thành sợi bánh canh mảnh khảnh mà vương vấn khi đã lỡ ăn.
Dì Tám mà em tôi nói ở trên trải lòng: Ai cũng nói dì giấu nghề. Có gì mà giấu chớ! Dì không ham rẻ. Bao giờ dì cũng sẵn sàng bỏ thêm vài chục ngàn nữa để mua gạo ngon. Rồi thêm mấy chục ngàn nữa để mua xương heo về hầm lấy nước “nền” cho nồi bánh canh.
“Bánh canh ngon là ngon dzậy đó. Nước bánh canh ngọt là ngọt dzậy đó!”, dì Tám kéo dài tiếng “dzậy” nghe ngọt, mềm và dai như những gì khách ăn cảm nhận được trong tô bánh canh của dì. Em tôi gật gù: Dì nói đúng đó anh. Bữa nào đi trễ, phải ăn hàng bánh canh khác sẽ thấy cái ngọt “giả giả”. Đó là cái ngọt của các loại bột nêm trên thị trường. Cái ngọt đó làm mình có cảm giác hụt hẫng.
Có một điều dì quên, không nói. Đó là chuyện dì “sai” chồng xuống bến mua cá về làm chả. Nhiều lần dì la chồng khi ông ham rẻ mua cá không được tươi. Đương nhiên dì bắt ông phải đi mua lại. Dì nói cá không tươi mà làm chả thì nồi bánh canh cứ trơ trơ, không mùi vị gì. Dì nói dù bánh canh ngon tới đâu, nước có ngọt cỡ nào mà những viên chả làm từ cá ươn thì cũng phá hỏng hết. Khi ăn bánh canh, người ta im lặng húp chút nước, rồi dừng một tí để lắng nghe vị ngọt. Họ ăn từng sợi bánh canh, nghe mùi gạo dẻo thơm ra sao. Sau đó, họ nhai chầm chậm từng miếng chả để thưởng thức vị đậm đà của cá.
Hèn chi em gái tôi mê bánh canh dì Tám. Đó là cái mê chữ ê kéo dài và không có tí “muội” nào, dĩ nhiên là có chút... cuồng. Không cuồng thì sao mới đặt ba lô xuống thềm, vừa ôm mẹ hun cái chụt thì đã nhìn đồng hồ: “Giờ này còn bánh canh dì Tám hông ta?”. Mẹ mắng: “Mày về với tao hay về với bánh canh hả con kia?”.
Nó mê bánh canh dì Tám đã đành, còn mê thêm mấy thứ ngoài bánh canh. Chẳng hạn quán dì đón gió đi qua mặt sông mát mẻ. Mái lợp lá dừa. Mấy tấm liếp xung quanh cũng bằng lá dừa thân thiện, nhìn mát con mắt. Sáng nay cũng như mọi lần nó về, bạn bè nhận tin nhắn của con bé: Ăn sáng dì Tám! Đứa nào cũng “Ok!” ngay tắp lự.