Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh vừa có báo cáo tóm tắt thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, trong đó có một số nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Cụ thể, ông Thanh đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2021 thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Khối các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 5-6%/năm ngắn hạn và 7-8%/năm trung, dài hạn. Khối ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay cao hơn nhưng đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4/2021 là 1,78%).
Đồng thời, nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính.
Việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, quá trình cơ cấu lại đối với 3 "ngân hàng 0 đồng" đã mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế còn nhấn mạnh: "Mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn".
Do đó, về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, một trong những vấn đề Ủy ban Kinh tế lưu ý là xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Song song, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cần chủ động, tích cực huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại. Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thí điểm các mô hình kinh doanh mới.