Tại Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo trình Quốc hội, Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, tỉnh Thanh Hóa được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức dư nợ vay 20% theo quy định hiện hành (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 2.636 tỷ đồng. Nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.909 tỷ đồng.
“Việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho tỉnh Thanh Hóa có thêm dư địa được vay phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho phép chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài cho 13 dự án ODA trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến 12.287 tỷ đồng và nhu cầu vốn vay lại 2.707 tỷ đồng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Bên cạnh các dự án ODA, trong giai đoạn tới tỉnh Thanh Hóa còn có nhu cầu huy động vốn đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh (với tong mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng) thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước...
Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công của cả nước, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh Thanh Hóa hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định.
“Do đó, việc tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn lực đê đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động vốn đầy đủ là phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, đáp ứng được nhu cẩu phát triên kinh tế - xã hội đến năm 2030 nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bền vững nợ công”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, căn cứ tiềm năng, lợi thế phát triển, nhu cầu huy động vốn đầu tư và dự kiến khả năng thu từ các nguồn thu tiền sử dụng đẩt, sổ tăng thu ngân sách hàng năm và chi từ nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm thì tỉnh Thanh Hóa sẽ đảm bảo được khả năng hấp thụ vốn cũng như nghĩa vụ trả nợ vay của ngân sách tỉnh theo hạn mức dư nợ vay đề xuất 60%.