Hiện tượng nghịch nhiệt do phát thải lớn và ít cây xanh ở đô thị Tokyo khiến các vận động viên trải qua kỳ Olympic nóng ẩm chưa từng thấy.

Thứ ba, 27/7/2021, 22:01 (GMT+7)

Hiện tượng nghịch nhiệt do phát thải lớn và ít cây xanh ở đô thị Tokyo khiến các vận động viên trải qua kỳ Olympic nóng ẩm chưa từng thấy.

Trước khi lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 diễn ra hôm 23/7, cung thủ người Nga Svetlana Gomboeva đã ngất xỉu lúc thi đấu ở vòng loại do kiệt sức vì nắng nóng. Tay vợt số hai thế giới môn quần vợt nam Daniil Medvedev hôm 24/7 cũng cho biết nhiệt độ và độ ẩm hiện nay tại Tokyo là "một trong những điều kiện thi đấu tồi tệ nhất" anh từng trải qua.

"Cảm giác gần như bạn đang trong phòng tắm hơi", Makoto Yokohari, giáo sư khoa Quy hoạch Đô thị thuộc Đại học Tokyo, kiêm cố vấn cho Ban Tổ chức Olympic Tokyo, cho biết. Nhiệt độ hàng ngày tại thủ đô Nhật Bản dự kiến ở mức 30-35 độ C, nhưng độ ẩm cao sẽ khiến vận động viên có cảm giác như gần 40 độ.

Tay vợt người Nga Daniil Medvedev trong trận đấu thuộc khuôn khổ Olympic tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 24/7. Ảnh: AP.

Tay vợt người Nga Daniil Medvedev trong trận đấu thuộc khuôn khổ Olympic tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 24/7. Ảnh: AP.

Đây là một phần hệ quả của hiện tượng "nghịch nhiệt", khi nhiệt tích tụ và mắc kẹt giữa trung tâm thành phố, khiến nhiệt độ tại các vùng đô thị tăng cao. "Lượng phát thải quá lớn, như từ điều hòa, phương tiện giao thông và nhiều nguồn khác. Thêm vào đó, trung tâm thành phố không có nhiều không gian xanh", Yokohari giải thích.

Vào đêm, khi nhiệt độ hạ xuống, mặt đường lại giải phóng hơi nóng tích tụ suốt cả ngày. Ngoài nhiệt độ, độ ẩm cao của Tokyo còn khiến mồ hôi khó bay hơi, trong khi đây là cơ chế giúp cơ thể giải nhiệt. Cái nóng được đánh giá đặc biệt gây khó khăn đối với các vận động viên khuyết tật tham dự Paralympic.

Mùa hè nắng nóng gay gắt không xa lạ tại Tokyo, nhưng giới chuyên gia cho rằng không thể phớt lờ yếu tố biến đổi khí hậu do con người gây ra. Cơ quan Môi trường Tokyo cho biết biến đổi khí hậu và hiệu ứng "nghịch nhiệt" đã góp phần khiến nhiệt độ trung bình tăng thêm 3 độ C trong thế kỷ qua.

Những năm qua, Tokyo vốn đã lên kế hoạch cho một kỳ Olympic nắng nóng, như việc ban tổ chức hồi năm 2019 quyết định chuyển địa điểm thi marathon đến thành phố Sapporo, cách thủ đô hơn 800 km về phía bắc. Họ còn phát kẹo và viên muối cho giới truyền thông và đội ngũ tình nguyện viên, thiết lập các trạm phun sương khắp thành phố. Ủy ban Olympic các nước cũng mang theo những dụng cụ và trang phục làm mát đặc biệt để giúp các vận động viên đối phó thời tiết nắng nóng.

Tuy nhiên, với tình trạng tần suất và cường độ nắng nóng tại các thành phố trên thế giới tiếp tục gia tăng, Yokohari tỏ ra bi quan về các kỳ Olympic mùa hè trong tương lai.

"Chúng ta gọi là Olympic mùa hè, nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế có lẽ nên điều chỉnh thời gian tổ chức vào mùa thu hoặc đầu mùa xuân. Tôi nghĩ đó sẽ là cách duy nhất để hầu hết thành phố trên thế giới có thể đăng cai sự kiện", ông nêu ý kiến.

Ánh Ngọc (Theo NPR)


Bình luận